Chính sách ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Monre – Sáng 5/6 tại Hà Nội, Bộ TN&MT phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Monash – Australia tổ chức Hội nghị quốc tế Chính sách ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, với nghiên cứu thí điểm tại lưu vực sông Cầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, Bộ TN&MT đã nỗ lực không ngừng huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam cả về nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.Chúng ta đã sử dụng các nguồn lực này một cách có hiệu quả. Đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh tiềm lực kinh tế – công nghệ của chúng ta còn hạn chế, mà biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi những đầu tư không nhỏ. Bộ TN&MT là đơn vị chủ quản được giao nhiệm vụ tổng hợp tư vấn cho Chính phủ, xây dựng các hoạt động chiến lược nhằm ứng phó với BĐKH trong đó tập trung bốn vấn đề quan trọng là: 

Chủ động ứng phó với thiên tai và nước biển dâng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước, các vấn đề an toàn xã hội, ưu tiên chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững đất nước, phát triển đất nước theo hướng các – bon thấp; tăng cường năng lực quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thưc cộng đồng về BDKH; phát triển khoa học công nghệ.

Tại Hội nghị, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm trên 63 tỉnh thành tăng khoảng 2,1 – 3,3 độ C (theo kich bản phát thải Trung bình B2), tổng lượng mưa năm và lượng mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm mực nước biển có thế dâng khoảng từ 75cm đến 1m, như vậy, trong thời gian tới nguy cơ một số diện tích của đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh ven biển sẽ bị ngập nước, theo đó khoảng 10 – 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10 % GDP.Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Australia trong các chương trình, chiến lược quốc gia ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức rõ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế sớm có những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn tin: Hồng Phương