GIÁO DỤC CÁC GIÁ TRỊ SỐNG

GIỚI THIỆU

Các giá trị (values) và quan điểm/thái độ (attitudes) sống ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau và mọi hoạt động của con người diễn ra trong môi trường. Giá trị và quan điểm/thái độ đồng thời cũng là những nhân tố ảnh hướng chủ đạo đến triển vọng đạt được một xã hội bền vững trong tương lai.

Cho dù chúng không thể bị tách rời khỏi sự tư duy nhận thức, các giá trị và quan điểm/thái độ liên quan đến khía cạnh cảm nhận (hay cảm xúc) trong hành vi của con người. Xét trên phương diện này, những giá trị và quan điểm/thái độ có thể là khá tương đồng, tuy nhiên, giữa chúng có một vài điểm khác nhau quan trọng:

  • Nhìn chung, giá trị là những chuẩn mực hoặc nguyên tắc có tính lâu dài được dùng để xem xét, đánh giá giá trị của một ý tưởng hoặc hành động nào đó. Giá trị đưa ra những tiêu chí để chúng ta quyết định những gì là tốt hay xấu, đúng hay sai.
  • Quan điểm/thái độ khiến chúng ta có những phản ứng cụ thể đối với các sự kiện và với những con người khác nhau. Quan điểm/thái độ không có cảm nhận sâu sắc như các giá trị và thường xuyên thay đổi sau những trải nghiệm.

Mô-đun này tạo cơ hội để chúng ta xem xét tầm quan trọng của các giá trị và quan điểm sống của con người trong việc định hình tương lai. Mô-đun cũng đưa ra những ý tưởng và ví dụ về hai nhóm phương pháp có thể giúp chúng ta khám phá những giá trị trong lớp học – cũng như làm rõ và phân tích chúng.

 

MỤC TIÊU

Mô-đun này nhằm giúp chúng ta:

  • Nâng cao hiểu biết về những phương pháp giáo dục giá trị sống;
  • Xem xét mối quan hệ giữa các giá trị và hành vi cá nhân ảnh hưởng đến việc đạt được tương lai bền vững.
  • Suy ngẫm về nhận thức, cam kết và những hành động tương lai của mình; và
  • Phát triển kĩ năng sử dụng phương pháp làm rõ giá trị (values clarification) và phân tích giá trị (values analysis) trong giảng dạy.

 

HOẠT ĐỘNG

  1. Tình thế lưỡng nan trong việc bảo tồn loài voi
  2. Hướng tới đạo lí của sự bền vững
  3. Những phương pháp giáo dục các giá trị sống
  4. Hoạt động tổng kết

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Gardner, R., Cairns, J. and Lawton, D. (2003) Education for values: morals, ethics and citizenship in contemporary teaching, Routledge.

Halstead, J.M. and Pike, M.A. (2006) Citizenship and moral education: values in action, Routledge.

IUCN, WWF and UNEP (1991) Caring for the Earth, WWF, IUCN, WWF and UNEP, Gland.

Kelly, T.E. (1986) Discussing controversial issues: Four perspectives on the teacher”s role, Theory and Research in Social Education, XIV(2), pp. 113-138.

Noddings, N. (1992) The Challenge To Care In Schools: An Alternative Approach to Education, Teachers College Press, Columbia University, New York.

Orr, D. (1992) Ecological Literacy: Education and the Transition to a Postmodern World, State University of New York Press, Albany

Reich, B and Pivovarov, V. (eds) (1994) International Practical Guide on the Implementation of the Recommendation Concerning Education for International Understanding (*.pdf download), UNESCO, Paris.

UNESCO (1998) Learning to Live Together in Peace and Harmony, UNESCO – APNIEVE Sourcebook for Teacher Education and Tertiary Zone Educators, UNESCO Principal Regional Office for Asia and the Pacific, Bangkok.

UNESCO (2000) The Practice of Citizenship, Associated Schools Project, UNESCO, Paris.

Wringe, C. (2006) Moral education: beyond the teaching of right and wrong, Springer.

 

XÂY DỰNG MÔ-ĐUN

Phần này do Bernard Cox, Margaret Calder và John Fien viết cho UNESCO, trong đó có sử dụng những tư liệu và hoạt động được xây dựng bởi Angelina Galang, Jose Camagun, Edith de la Cruz, Saras Reddy và Debbie Heck trong chương trình Học tập vì một môi trường bền vững. (UNESCO – ACIED).

 

 

HOẠT ĐỘNG 1: TÌNH THẾ LƯỠNG NAN TRONG VIỆC BẢO TỒN LOÀI VOI (THE ELEPHANT DILEMMA)

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Mô-đun này bắt đầu với việc nhìn lại những giá trị khác nhau trong công tác bảo tồn động vật thông qua một tình huống nghiên cứu về Tình thế lưỡng nan trong việc bảo tồn loài Voi ở Châu Phi.

Tính đến năm 1979, số lượng voi ở Châu Phi là vào khoảng hơn 1.3 triệu cá thể. Tuy nhiên, đến năm 1995, con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng từ 300.000 đến 600.000 con, trong đó có đến 80% số lượng voi ở miền đông Châu Phi đã biến mất. Sự gia tăng dân số và việc mở rộng hoạt động của con người dẫn đến việc xâm lấn nơi cư trú của loài voi là những yếu tố cơ bản dẫn tới thực trạng này. Tuy nhiên, chính vấn nạn săn trộm voi muôn thuở nhằm phục vụ nhu cầu về ngà voi của toàn thế giới chính là nguyên nhân chính của thảm họa này.

Báo động vì tỉ lệ voi bị săn bắt trộm, Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động – Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITEs) đã cấm mọi hình thức buôn bán trao đổi ngà voi và các sản phẩm từ voi vào năm 1990.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ loài voi châu Phi là một vấn đề phức tạp trong quản lí thiên nhiên hoang dã. Nhờ những biện pháp chống nạn săn trộm hữu hiệu và sự nghiêm cấm buôn bán, số lượng voi ở một số vùng đã tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, phần diện tích đất cư trú dành cho chúng vẫn còn hạn chế. Điều này đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của hệ sinh thái khu vực. Và dẫn đến việc đưa ra một loạt những biện pháp quản lí mới như: kiểm soát số lượng và di chuyển voi đến những vùng lãnh thổ khác.

Kiểm soát số lượng là một biện pháp quản lí gây nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng việc giết đi những động vật đẹp đẽ và hùng vĩ như vậy là dã man. Tuy nhiên, một số khác lại quan tâm đến sự suy thoái của những hệ sinh thái nơi có số lượng voi quá đông và vấn đề voi phá hoại mùa màng đang ngày càng phức tạp.

Vậy chính phủ các nước nên làm gì với một trữ lượng lớn ngà voi thu được từ những con voi bị giết do phải kiểm soát số lượng? Rất nhiều quốc gia có thu nhập quốc dân thấp đã tranh luận rằng thật không công bằng khi ngăn cấm họ xuất khẩu ngà voi mà họ thu thập được một cách hợp pháp.

Đọc thêm về chương trình Bảo tồn voi châu Phi của WWF bao gồm cả Kế hoạch hành động bảo tồn loài.

Vào tháng 4 năm 2000, Hội nghị các nước tham gia Công ước CITEs đã quyết định nới lỏng lệnh cấm vận buôn bán trao đổi voi nhằm cố gắng giảm số lượng voi trong tầm kiểm soát và đồng thời cho phép các nước châu Phi có thêm thu nhập từ xuất khẩu ngà voi.

Câu hỏi 1: Hãy hình dung bạn là một nhà báo trong Hội nghị Các bên tham gia Công ước CITES vào tháng 4 năm 2000. Hãy tìm 3 nhóm người khác nhau và phỏng vấn để có hiểu biết toàn diện về những quan điểm khác nhau đối với Tình thế lưỡng nan trong việc bảo tồn loài Voi.

Câu hỏi 2: Hãy lên danh sách (i) ba lập luận ủng hộ và (iii) ba lập luận phản đối việc nới lỏng cấm vận buôn bán quốc tế ngà voi và các sản phẩm khác từ voi.

Câu hỏi 3: Đằng sau những ý kiến trái chiều này, là những quan điểm gì về (i) quyền động vật, (ii) sự phát triển kinh tế và (iii)  sự phát triển xã hội?

 

HOẠT ĐỘNG 2: HƯỚNG TỚI ĐẠO LÍ CỦA SỰ BỀN VỮNG

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Một tương lai bền vững phụ thuộc vào việc con người sống theo những giá trị và nguyên tắc sống bền vững, chúng bao gồm:

  • Sự công bằng xã hội và hòa bình
  • Sự phát triển một cách hợp lý
  • Bảo tồn
  • Dân chủ

Những giá trị này phản ánh bốn khía cạnh của một tương lai bền vững.

Hãy xem lại cách thức mà bốn khía cạnh này được tích hợp vào những nguyên tắc đạo đức trong Hiến chương Trái Đất.

 

ĐẠO LÍ VÀ SỰ BỀN VỮNG (ETHICS AND SUSTAINABILITY)

Thay đổi lối sống và cách thức vận hành của các thể chế/tổ chức xã hội nhằm phản ánh những giá trị sống đó đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực chung của tất cả chúng ta. Nỗ lực và thời gian trong một vài thập kỉ tới đây đóng vai trò rất quan trọng.

Chỉ có đạo lí về sự bền vững mới có thể thay đổi mối quan hệ cơ bản giữa con người và Trái đất và giữa con người với nhau. Lối sống là sự lựa chọn và các giá trị của chúng ta. Tuy nhiên, những cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội thường bị chia rẽ trong việc lựa chọn các giá trị sống. Điều này đặc biệt đúng khi những nguồn tài nguyên phục vụ cuộc sống là có hạn và đang có sự cạnh tranh về nhu cầu sử dụng chúng.

Đạo lí giúp chúng ta giải quyết những mâu thuẫn này. Bằng việc chỉ ra điều gì là đúng và điều gì là đáng giá nhất, đạo lí sẽ khuyến khích con người suy nghĩ về những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình lựa chọn của mình.

Đạo lí không đưa ra câu trả lời dễ dàng cho những tình thế khó xử trong cuộc sống, nhưng nó có thể khuyến khích mọi người lựa chọn những phương án mang lại lợi ích lớn nhất cho những người khác cũng như cho bản thân họ. Đạo lí cũng khích lệ chúng ta có những hi sinh cần thiết khi lựa chọn những phương án nói trên.

Trong một thế giới có tài nguyên hữu hạn, có những xung đột về giá trị, và sự cạnh tranh giữa các cá nhân và tập thể thì một đạo lí về sự bền vững sẽ giúp cải thiện cách thức chúng ta hợp tác với nhau và với phần còn lại của thế giới tự nhiên vì lợi ích chung cho tất cả các bên.

Chính vì thế, đạo lí/đạo đức (ethics) rất cần thiết đối với sự bền vững. Mọi xã hội đối xử tốt với môi trường và công dân của mình là những xã hội có đạo lí tốt về sự bền vững. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, điều chưa từng thấy trước đây chính là nhu cầu cần có sự thấu hiểu và thực hành rộng rãi đạo lí này.

Một đạo lí tốt về sự bền vững cung cấp những giá trị hoặc nguyên tắc giúp chúng ta định hướng mối quan hệ giữa con người với nhau (công bằng xã hội – social justice) và với Trái đất (bảo vệ thiên nhiên & môi trường – conservation). Một ví dụ về đạo lí của sự bền vững đã được giới thiệu bởi một nhóm cộng tác bao gồm ba tổ chức bảo vệ thiên nhiên lớn trên thế giới, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP). Những giá trị của đạo lí này bao gồm:

Công bằng xã hội [Nhấn vào đây để đọc thêm]

  • Những nhu cầu cơ bản của con người
  • Công bằng giữa các thế hệ
  • Quyền con người
  • Dân chủ

Sự bảo tồn [Nhấn vào đây để đọc tiếp]

  • Sự phụ thuộc lẫn nhau
  • Đa dạng sinh học
  • Sống đơn giản.
  • Sự công băng giữa các loài

Câu hỏi 4: Trong những gợi ý về đạo lý bền vững nói trên, hãy xác định ba giá trị quan trọng nhất đối với bạn.

Câu hỏi 5: Hãy giải thích tại sao bạn lựa chọn 3 giá trị đó.

Câu hỏi 6: Hãy lập một danh sách những hành động mà bạn đang thực hiện (hoặc có thể sẽ bắt đầu thực hiện) để tăng cường khả năng đạt được một tương lai bền vững của cộng đồng địa phương mình – và những giá trị nào đóng vai trò định hướng cho bạn làm những điều đó.

 

 

HOẠT ĐỘNG 3: NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CÁC GIÁ TRỊ SỐNG

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Có thể có nhiều tranh cãi về những vấn đề về xã hội, kinh tế và môi trường mà chúng ta cần xem xét khi giảng dạy về tương lai bền vững. Bởi những vấn đề đó thường phản ánh những giá trị đối lập nhau và có thể gây ra những bất đồng và tranh cãi trong cộng đồng. Điều này đôi khi đặt các giáo viên vào tình huống khó xử.

Tuy nhiên, việc bỏ qua những vấn đề như vậy chỉ vì có tính tranh cãi sẽ là không chuyên nghiệp. Như David Orr đã từng viết:

Cuộc khủng hoảng về sự bền vững, hay là về sự hòa hợp giữa loài người và môi truờng sống, đang hiển hiện theo nhiều cách thức với nhiều mức độ ở tất cả mọi nơi trên Trái đất. Điều này không chỉ là một nội dung thường trực trong các chương trình nghị sự (agenda); mà xét trên mọi nhu cầu thực tế đó chính là chương trình nghị sự… Sự bền vững bao hàm những điều khoản về sự sinh tồn của con người, ấy vậy mà chúng ta vẫn rao giảng ở tất cả các cấp bậc học như thể sự khủng hoảng này không tồn tại…

Nguồn:  Orr, D. (1992) Ecological Literacy: Education and the Transition to a Postmodern World, State University of New York Press, Albany, pp. 83, 145

 

NGUYÊN TẮC GIẢNG DẠY VỀ CÁC CHỦ ĐỀ MANG TÍNH CHỦ QUAN (VALUE-LADEN ISSUES)

Một thách thức với giáo viên đó là làm thể nào để xây dựng được những nguyên tắc để làm việc với các chủ đề mang tính chủ quan (values-laden) theo cách chuyên nghiệp và có đạo lí. Những nguyên tắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng việc né tránh đề cập đến các giá trị sống và sự tranh cãi liên quan khi giảng dạy về tính bền vững là điều không thể và chúng ta cũng không nên làm như vậy. Những nguyên tắc này cũng sẽ đưa ra định hướng cho việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực và theo hướng lạc quan đối với những vấn đề có tính tranh cãi, trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng những kĩ năng tư duy phản biện (critical thinking).

Hãy nêu những nguyên tắc mà bạn thường tuân theo khi dạy về những vấn đề mang tính chủ quan, và so sánh sự sắp xếp thứ bậc các nguyên tắc của bạn với các giáo viên khác.

Câu hỏi 7: Sau khi bạn đã hoàn thành việc so sánh trên, hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:

  • Sự xếp hạng của bạn so với kết quả trung bình từ những đồng nghiệp khác có sự khác nhau như thế nào?
  • Có sự khác biệt đáng kể nào không?
  • Những khác biệt đó có liên quan đến những triết lí giáo dục cá nhân của bạn, hoặc có thể là đến hoàn cảnh nơi bạn dạy hay không?
  • Sau khi tham khảo kết quả của đồng nghiệp, liệu có những nguyên tắc nào mà bạn muốn thay đỏi lại thứ tự sắp xếp của bạn không? Đó là những nguyên tắc nào? Tại sao bạn thay đổi?

 

ÁP DỤNG NHỮNG NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG

Có một số phương pháp dạy học về những vấn đề mang tính chủ quan đã được xây dựng. Trong đó có hai phương pháp quan trọng đó là phương pháp làm rõ các giá trị (value clarification) và phân tích giá trị (value analysis). Hoạt động này sẽ đưa ra phần thực hành và những gợi ý cho cách áp dụng các phương pháp này trong giảng dạy.

Làm rõ các giá trị (Value Clarification)

Những giá trị sống định hướng cho chúng ta trong việc quyết định điều gì là tốt, là đúng đắn. Vì vậy, các giá trị phụ thuộc nhiều vào cảm nhận cũng như tư duy của chúng ta.

Làm rõ các giá trị là một phương pháp khuyến khích học sinh liên hệ giữa tư duy và cảm nhận của các em, và qua đó làm giàu thêm nhận thức của các em về những giá trị sống của chính mình.

Hoạt động này minh họa một phương pháp làm rõ các giá trị – đó là phương pháp “lưới giá trị” (values grid)

LƯỚI GIÁ TRỊ

Lưới giá trị giúp học sinh làm rõ mức độ quan tâm của bản thân đối với những vấn đề khác nhau

Câu hỏi 8: Để thực hành phương pháp làm rõ giá trị này, hãy bắt đầu bằng việc liệt kê ra ba vấn đề hoặc câu hỏi mà bạn quan tâm.

Những ví dụ có thể là:

  • Liệu chúng ta có nên quy hoạch lại khu đất công viên trong trung tâm thành phố trở thành khu vực nhà ở cho những người vô gia cư từ nông thôn ra hay không?
  • Những trẻ em gái có nên được nhận cơ hội học tập bình đẳng như với trẻ em nam không?
  • Chính phủ nên có những khoản ưu đãi về tài chính ở mức độ nào cho các công ty nước ngoài để khuyến khích họ đầu tư vào ngành công nghiệp trong nước?

Câu hỏi 9: Mức độ quyết tâm của bạn mạnh như thế nào trong việc giải quyết các vấn đề này? Hãy hoàn thành bảng trong sổ tay học tập để diễn tả sự quyết tâm đó của bạn.

 

Phân tích các giá trị (Value Analysis)

Việc làm rõ giá trị định hướng cho chúng ta phân tích/suy ngẫm về những tình huống đạo đức khó xử liên quan đến cá nhân, còn việc phân tích giá trị thường được sử dụng đối với các vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người và có nhiều quan điểm khác nhau.

Vì vậy, phân tích giá trị là một cách giúp học sinh tìm hiểu những giá trị sống của người khác và của bản thân. Phương pháp này yêu cầu việc sử dụng những kĩ năng tư duy logic (logical thinking) để phân tích những quan điểm khác nhau liên quan đến một vấn đề.

Một tình huống nghiên cứu về đề xuất khai thác mỏ đồng trên một hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương được sử dụng để minh họa cách mà các em học sinh áp dụng phương pháp phân tích giá trị để xem xét quan điểm của các bên liên quan trong một vấn đề gây tranh cãi.

Phân tích giá trị gồm 4 bước sau đây:

1. Phân tích vấn đề

2. Đánh giá các tác động đối với các bên liên quan.

3. Phân tích quan điểm của các bên liên quan.

4. Đưa ra quyết định

PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ

Câu hỏi 10: Hãy đọc những thông tin cơ bản về đề xuất khai thác mỏ Isoman và trả lời các câu hỏi sau:

  • Những sản phẩm tiềm năng có thể sản xuất được từ mỏ Isoman là gì?
  • Kết quả của nghiên cứu khả thi của đề xuất trên như thế nào?
  • Xác định một số nhóm người quan tâm đến, hoặc bị ảnh hưởng bởi, sự phát triển mở rộng của mỏ.

Xem danh sách gợi ý những bên liên quan (stakeholders).

ĐÁNH GIÁ CÁC TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC BÊN LIÊN QUAN

Hãy đọc bản tổng hợp những bài báo tường thuật về phản ứng của các bên liên quan về đề xuất khai thác mỏ nói trên.

Câu hỏi 11: So sánh giữa tình hình của mỏ Isoman với mỏ Taranga.

PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Các vấn đề sẽ nảy sinh khi các bên đều đưa ra những quan điểm có lý nhưng trái ngược nhau về cùng một vấn đề. Sự phân tích kỹ lưỡng quan điểm của các bên liên quan sẽ giúp tìm ra hướng giải quyết vấn đề.

Câu hỏi 12a: Hãy tổng hợp những quan điểm của ba bên liên quan dưới đây.

·         Bộ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng

·         Những người chủ đất ở Isoman

·         Nhóm quan sát viên bảo vệ môi trường

Câu hỏi 12b: Hãy tóm tắt các quan điểm của những bên liên quan còn lại.

Xem phần tổng hợp quan điểm của các bên liên quan.

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH

Hãy hình dung bạn là Bộ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng, và bạn là người rất tận tâm với các giá trị của sự bền vững: hòa bình & công bằng, sự phát triển hợp lý, dân chủ và bảo tồn thiên nhiên.

Trong khi bạn cần cân nhắc ý kiến của tất cả các bên liên quan, bạn nên nhớ rằng không phải tất cả họ đều có tầm ảnh hưởng như nhau. Những bên nào có ảnh hưởng lớn nhất? Tại sao? Những bên nào có thể gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý kiến của họ tới bạn? Tại sao? Bạn nên làm gì để khuyến khích sự tham gia rộng rãi của mọi người vào việc đưa ra quyết định.

Bạn có cho phép việc khai thác mỏ đồng này diễn ra hay không?

Câu hỏi 13: Hãy viết một bài phát biểu trước quốc hội để công bố quyết định của bạn về vấn đề này.

Hãy đảm bảo rằng bài phát biểu của bạn tổng kết cả những mặt thuận và không thuận của những phương án bạn đang cân nhắc và những lí do chủ chốt khiến bạn đưa ra quyết định như vậy.

 

 

HOẠT ĐỘNG 4: TỔNG KẾT

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hoạt động tổng kết mô-đun: Hãy nhìn lại các hoạt động và bài tập của mô-đun để kiểm tra xem bạn đã làm xong chưa. Bổ sung và hoàn tất các phần để kết thúc mô-đun.

Giáo dục các giá trị sống nhằm mục đích đạt được hai kết quả cơ bản:

  • Giúp học sinh hiểu biết về những giá trị định hướng cuộc sống hàng ngày của các em, và
  • Đóng góp vào sự thay đổi những giá trị riêng của cá nhân và những giá trị chung của cả cộng đồng.

Trong Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững, sự thay đổi này nhằm hướng tới tăng cường hiểu biết, lòng khoan dung và công bằng đối với những người xung quanh (thông qua công bằng xã hội, dân chủ và hòa bình) và hướng tới sự bền vững trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên (thông qua sự phát triển hợp lí và bảo tồn).

Câu hỏi 14: Nêu ra tám giá trị sống cốt lõi mà bạn tin tưởng rằng chúng có thể đóng góp vào quá trình hướng tới một tương lai bền vững.

Câu hỏi 15: Hãy xây dựng đề cương cho việc áp dụng bài tập về mỏ đồng ở Isoman (hoặc những chủ đề tương tự – có thể ở chính đất nước của các bạn) trong các lớp học bạn dạy.

 

 

Những giá trị sống trong Đạo lí về sự bền vững

Giá trị công bằng xã hội

Nhu cầu cơ bản của con người

Trong một khuôn khổ hạn chế của sinh quyển, chúng ta vẫn cần phải đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người và cộng đồng; và tất cả phải có những cơ hội bình đẳng để cải thiện số phận của họ.

Công bằng giữa các thế hệ

Mỗi thế hệ nên để lại cho tương lai một thế giới mà trong đó ít nhất phải đa dạng và khỏe mạnh như cái thế giới thế hệ đó đã được thừa hưởng. Để đạt mục tiêu này, các nguồn năng lượng không thể tái tạo phải được sử dụng một cách tiết kiệm, còn những nguồn năng lượng có thể tái tạo nên được sử dụng một cách bền vững và rác thải phải được hạn chế triệt để. Chúng ta không nên hưởng thụ những lợi ích phát triển hôm nay mà chi phí thì để lại cho tương lai phải trả.

Quyền con người

Tất cả mọi người đều có quyền cơ bản về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tự do ngôn luận, và quyền tự do tham gia các đoàn thể và hội họp một cách hòa bình.

Dân chủ

Tất cả mọi cá nhân và cộng đồng nên đuợc trao quyền để thực hiện trách nhiệm đối với chính cuộc sống của mình và với sự sống trên Trái đất. Vì thế, con người phải được tiếp cận đầy đủ với giáo dục, được trao quyền tự do bầu cử và có kế sinh nhai bền vững; và họ nên được thực sự tham gia vào những quyết định ảnh hưởng nhiều nhất đến họ.

Giá trị bảo tồn

Sự phụ thuộc lẫn nhau

Con người là một phần của thế giới tự nhiên và phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Vì vây, thế giới tự nhiên luôn cần đuợc tôn trọng. Tôn trọng tự nhiên có nghĩa là tiếp cận với tự nhiên bằng sự khiêm nhường, sự quan tâm và tình thương yêu; là sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả; là được định hướng bởi những kiến thức hiện có tốt nhất, bao gồm cả kiến thức dân gian và kiến thức khoa học; và giúp định hình và hỗ trợ những chính sách công thúc đẩy sự bền vững.

Đa dạng sinh học

Tất cả các dạng sống đều cần được tôn trọng và bảo vệ, bất kể chúng có giá trị hay không đối với con người. Con người cần phải gìn giữ sự phong phú của hệ sinh thái để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mọi loài sinh vật và môi trường sống của chúng và, thông qua đó, đóng góp vào chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của con nguời.

Sống đơn giản

Mỗi người nên có trách nhiệm với những ảnh hưởng họ gây ra cho môi trường. Họ không nên can thiệp quá mức vào những quá trình của tự nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học, hay khai thác quá mức những tài nguyên tái tạo và các hệ sinh thái. Họ nên sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên một cách cẩn trọng và bền vững, và phục hồi những hệ sinh thái suy thoái.

Công bằng giữa các loài

Con người nên đối xử tử tế với tất cả các loài sinh vật và bảo vệ chúng khỏi những hành động tàn ác và những tổn thương không đáng có.

 

 

Mỏ đồng Isoman

Vào đầu năm 1992, Copper Pacific Limited được cấp Giấy phép Thăm dò Khoáng sản về khả năng khai thác mỏ đồng/vàng Isoman thông qua một chi nhánh của công ty này tại địa phương.

Theo giấy phép được cấp này, một chương trình khoan thăm dò lớn, sử dụng tới bốn máy khoan đã được hoàn tất. Chương trình này được thiết kế nhằm đánh giá tính khả thi của hoạt động khai thác mỏ tại đây.

Việc khoan thăm dò cho thấy mỏ Isoman có trữ lượng khoảng 930 triệu tấn quặng, với thành phần đồng là 0.43% và vàng là 0.14 gam trên một tấn. Số quặng này có thể được khai thác toàn bộ với hai mỏ lộ thiên.

Quá trình luyện kim thử nghiệm đã chứng tỏ rằng việc tinh chế đồng và vàng từ quặng là khá dễ dàng và với có độ tinh khiết cao. Hầm mỏ, nhà máy chế biến quặng và công tác thiêt kế cơ sở hạ tầng đang được thực hiện song song với những chương trình giám sát môi trường chặt chẽ. Công ty này đã băt đầu thảo luận với chính phủ về những yêu cầu cấp giấy phép và những điều khoản thương mại về dự án khai thác này.

Báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế, trong đó sử dụng tất cả những số liệu mới đây, đã cho thấy khả năng xử lý tới100.000 tấn quặng mỗi ngày.

Tất cả nguồn vốn của dự án Isoman được huy động từ những cổ đông có nguồn gốc từ các hoạt động khai thác mỏ ở nước ngoài.

Các bên liên quan

Những nhóm người quan tâm đến hoặc bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của mỏ (được gọi là các bên liên quan) bao gồm:

  • Copper Pacific và những cổ đông của họ
  • Dân cư xung quanh khu mỏ
  • Chính phủ nước sở tại
  • Người dân
  • Các tổ chức và hiệp hội bảo tồn thiên nhiên
  • Những doanh nghiệp mua khoáng sản từ hai công ty
  • Công đoàn

Những chủ đất ở Isoman được những gì

Tỉnh Isoman là một trong những nơi hoang sơ và đẹp nhất của quốc gia này. Trong 10 năm tới đây, có lẽ nó sẽ không còn giữ được vẻ đẹp này nữa vì sẽ có hai khu mỏ khổng lồ đào sâu trong lòng núi để khai thác quặng đồng tại khu vực này.

Và cũng sẽ có một khu vực chứa đất thải từ khai thác quặng nơi mà mỗi ngày sẽ có khoảng 100.000 tấn đất đá đổ xuống. Và cùng với đó là một hệ thống ống dẫn nước thải khổng lồ kéo dài 20 km từ đây xuống đến Beya, nơi mà chất thải quặng sẽ được đổ xuống biển.

Gần như chắc chắn rằng sẽ có một con đường cao tốc 4 làn xe được xây dựng nối thủ đô với hầm mỏ, hay thậm chí là từ tận Beya, nơi sẽ có một cảng biển được xây dựng.

Vì Copper Pacific không có ý định xây dựng nên một thị trấn khu mỏ lớn, mà những người dân sẽ đi làm đều đặn hàng ngày từ Beya. Do vậy, trong vòng 20 năm nữa hàng loạt các khu dân cư dọc theo tuyến đường nối giữa khu hầm mỏ và Beya sẽ phát triển.

Nhưng điều khó hình dung nhất không chỉ là việc cảnh quan nơi đây sẽ thay đổi như thế nào mà là cuộc sống của người dân Isoman sẽ thay đổi ra sao. Cuộc sống của họ, cùng với nền kinh tế, sẽ thay đổi, có thể tới mức không thể quay trở lại như cũ.

Nếu chính phủ mong muốn phát triển mỏ, thì bản thân chính phủ hoặc Ủy ban Ủy thác Bất động sản Địa phương (Native Land Trust board) sẽ phải đạt được một thỏa thuận bồi thường, để Copper Pacific có thể có được một diện tích đất sử dụng cần thiết cho việc phát triển hầm mỏ. Theo hiến pháp, Chính phủ có những nghĩa vụ về mặt pháp lý nhưng chưa được qui định rõ đối với các chủ đất nhằm đảm bảo họ sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển này.

Vào cuối năm ngoái, Copper Pacific đã trình chính phủ đề xuất bồi thường cho những người chủ đất đối với những phần đất đai sẽ được sử dụng việc khai thác và chế biến mỏ. Đề xuất này được xây dựng dựa chủ yếu vào kinh nghiệm từ Papua New Ghinê, nơi mà tiền đền bù đươc trả theo phần diện tích đất được dự án sử dụng.

Điều may mắn cho chính phủ đó là số người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án này là khá nhỏ. Chính vì vậy, chính phủ và các chủ đầu tư đang có một vị thế đặc biệt cho việc xây dựng một cơ chế đền bù cho những người chủ đất theo những cách có thể tạo cho họ nguồn thu nhập bền vững.

Đề xuất bồi thường cho chủ đất chỉ dựa trên sự phá hủy và sử dụng đất đai có nhiều khả năng sẽ không hiệu quả. Điều đó có thể dẫn đến hàng loạt những khó khăn tương tự nảy sinh như ở hòn đảo Taranga nơi có mỏ đồng Taranga ở Papua New Ghine. Tất cả các kinh nghiệm từ những nước đang phát triển đều cho thấy những dự án khai thác mỏ lớn và lâu dài sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng dân số địa phương, sự thay đổi hoàn toàn lối sống và trong hầu hết mọi trường hợp nông nghiệp tự túc suy giảm và phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào nguồn lương thực từ bên ngoài.

Ở Taranga, rất nhiều người thuộc thế hệ những chủ đất trẻ, trong đó có cả người lãnh đạo cuộc nổi loạn chống lại chính phủ Papua New Guinea, không hề muốn có sự tồn tại của khu mỏ. Theo các báo cáo, một trong số họ đã nói: "Chúng tôi không được gì từ cái mỏ này, và mặc dù nó sắp cạn kiệt và sẽ sớm đóng cửa, chúng tôi thậm chí không có cả tiền bồi thường".

Những quan điểm như vậy ban đầu có vẻ khó hiểu vì Công ty Taranga Copper Limited (TCL) đã trả hàng triệu đô-la hàng năm cho việc bồi thường đất cũng như tiền thuê đất cho những chủ đất ở Taranga.

Trong khi theo truyền thống, có rất nhiều người trong số này có quyền sử dụng đất nhưng họ lại không phải là những người chủ đất và họ chỉ là chủ của những phần đất mà người thân để lại.

Tình trạng ở Taranga là hậu quả của sự kết hợp giữa cơ chế đền bù này cộng với sự hủy hoại môi trường nghiêm trọng gây ra bởi hoạt động khai thác mỏ.

Những sai lầm này đã dẫn đến, trước hết, đó là cuộc nổi loạn đứng đầu bởi ông Ona và những người chủ đất khác đã khiến mỏ Taranga buộc phải đóng cửa. Hơn thế nữa, cuối cùng nó đã dẫn đến bạo lực và cuộc nội chiến đẫm máu.

Isoma rõ ràng không phải là Taranga, tuy nhiên có một số bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm của Taranga. Bài học đầu tiên là bạn không thể yên tâm rằng chỉ bằng việc đền bù cho những chủ đất, thì tất cả những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động của mỏ đều được lợi.

Bài học thứ hai đó là mỗi chủ đất cũng như những người trong vùng chịu ảnh hưởng hoạt động khai thác mỏ phải được đền bù cho những mất mát liên quan đến đời sống của họ do hoạt động khai thác mỏ gây ra.

Nếu Chính phủ tiếp tục việc bồi thường đất đai cho những chủ đất và những người trong khu vực bị ảnh hưởng mà chỉ dựa trên diện tích đất đai đền bù và số lượng cây bị chặt phá thì họ đã phạm phải một sai lầm mang tính nguyên tắc – chứ không chỉ là đơn thuần là vấn đề tài chính.

Một điều hoàn toàn có thể xảy ra đó là mỏ Isoman có trữ lượng đủ lớn để có thế hoạt động trong một thời gian đủ dài và nhờ đó những cư dân Isonman sẽ  thay đổi vĩnh viễn và trở nên hội nhập một cách hoàn toàn vào nền kinh tế tiền tệ.

Tuy nhiên cũng có thể chính những cư dân này, hoặc phần lớn trong số họ không thể hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế. Và những gì sẽ bị mất đi là một lối sống lâu đời vốn không thể được thay thế bằng một lối sống mới, kể cả khi những chủ đất thấy có sự cải thiện rõ ràng.

Công ty và Chính phủ phải chuẩn bị một bản đề xuất bồi thường trong đó có tính đến những mất mát có thể xảy ra nói trên bởi vì, nếu trong 15 năm nữa, những đời sống của các chủ đất không khá hơn hiện tại, trong khi đó họ lại nhìn thấy những người khác đang kiếm lời lớn trên đất của họ, thì khi đó sẽ nảy sinh vấn đề.

Đến thời điểm đó, Chính phủ cũng sẽ bị phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu nhập từ đồng và khả năng chệch hướng nền kinh tế gây ra bởi những tranh chấp của các chủ đất sẽ là rất lớn.

Để đảm bảo không xảy ra những xung đột trên, cách tốt nhất đó là cần lập ra một quĩ tín dụng sử dụng cho các dự án phát triển ở Isoman và để trả cho các chủ đất một nguồn thu nhập, ít nhất là cần tương đương với thu nhập ổn định của họ hiện tại.

Một điều may mắn là có rất ít dân cư sống ở Isoman và điều này có thể được thực hiện mà sẽ không gây ra sự khó khăn về tài chính cho dự án. Nếu trên phương diện tài chính không thể thực hiện việc này, điều đó có nghĩa là sự phát triển khu mỏ sẽ được thưc hiện bất chấp sự trả giá về lâu dài, hơn là vì lợi ích của những người chủ đất.

Bộ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng

Bạn là Bộ trưởng chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động khai thác mỏ. Copper Pacific hiện đang nộp hồ sơ xin cấp giấy phép để khai thác mỏ khoáng sản đồng Isoman.

Tỉnh Isoman là một vùng có tiếng trong đảng của bạn, được biết đến như một khu vực có tinh thần tự tôn dân tộc cực kỳ mạnh mẽ. Bạn đang rất bận bịu cho cuộc bầu cử sắp tới. Bạn muốn đảng của mình sẽ giành được các ghế ở Isoman, chính vì vậy quyết định của bạn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự ủng hộ của họ với đối với đảng của bạn ở quốc hội.

Ưu tiên hàng đầu của chính phủ của bạn đó là phát triển kinh tế và nguồn thu nhập từ mỏ đồng sẽ chắc chắn thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển

Tuy nhiên, bạn cũng lo lắng về những hậu quả đối với môi trường do khai thác mỏ.

Những chủ đất ở Isoman

Những người chủ đất ở Isoman khẳng định rằng tỉnh của họ là vùng ít được quan tâm nhất trong cả nước. Sự phát triển kinh tế tại Isoman còn rất nhiều hạn chế. Đường xá rất tệ, một vài ngôi làng thì chỉ có thể đi đến bằng ngựa và người dân ở đây vẫn dựa vào nguồn thu nhập từ việc trồng các loại cây lấy củ và cây yaqona[1].

Những cư dân ở đây cảm thấy rằng chính phủ đã thờ ơ với họ quá lâu rồi.  Tính từ khi đóng cửa nền công nghiệp trồng chuối vài năm trước đây, cho đến nay không có gì đặc biệt được triển khai ngoài một vài hồ nuôi cá, việc chăn nuôi bò nhờ vào vốn vay hỗ trợ của chính phủ và một ngành công nghiệp cacao đang ngày càng thu hẹp.

Mở rộng mỏ đồng Isoman sẽ tốt cho cộng đồng dân cư địa phương vì nó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp nguời Isoman đóng góp tích cực vào việc đạt được những mục tiêu kinh tế quốc gia.

 

Phát ngôn viên của Tổ chức môi trường Envirowatch.

Bạn được bầu là người đứng đầu của Envirowatch và bạn không muốn ngài Bộ trưởng cấp giấy phép khai thác cho mỏ đồng.

Bạn tin rằng không có đủ thông tin để đánh giá mức độ ảnh hưởng của mỏ đồng đến môi truờng.

Điều này cũng có thể dùng như một chiến thuật để trì hoãn. Một khung thời gian khoảng 5 năm là cần thiết để thu thập đầy đủ thông tin.

Vào thời điểm đó, có khả năng Copper Pacific sẽ không còn quan tâm tới mỏ đồng nữa, và do vậy, hi vọng là trong khi thu thập thông tin, một chính phủ mới được bầu chọn sẽ có thể quyết định không ủng hộ việc phát triển mỏ đồng.

 

Tổng kết quan điểm các tổ chức khác

Ủy ban Công đoàn quốc gia

Họ ủng hộ mạnh mẽ hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác mỏ của Copper Pacific bởi vì một số lượng lớn công nhân mỏ lành nghề đang bị thất nghiệp. Mỏ Isoman được mong đợi sẽ hoạt động trong vòng 27 năm và sẽ mang lại hàng nghìn việc làm và lợi nhuận kinh tế cho đất nước.

Những người dân làng ủng hộ mỏ

Họ mong muốn mỏ được mở rộng và phát triển bởi những lợi ích mà mỏ sẽ mang lại cho ngôi làng. Những lợi ích đó bao gồm một cảng nước sâu và một nhà máy chế biến quặng. Việc làm, điện, hệ thống giao thông và tiền bồi thường từ việc phá những vùng đất nuôi cá sẽ giúp nhiều gia đình xây những ngôi nhà khang trang hơn cũng như nâng cấp thiết bị truờng học và nhà thờ.

Những người dân phản đối mỏ

Hầm mỏ sẽ phải chiu trách nhiệm với những cái chết của người dân. Nhà máy có thể nổ như đã xảy ra ở Bhopal, Ấn độ; cảng nước sâu sẽ xua đuổi cá đi chỗ khác; chất thải từ nhà máy sẽ giết chết cá hoặc khiến chúng bị nhiễm độc. Cuộc sống xã hội sẽ bị suy đồi vì nạn mại dâm, nghiện rượu và ma túy; và người trưởng làng sẽ ít được tôn trọng hơn. Những giá trị xã hội truyền thống sẽ bị phá hủy. Như hiện tại sẽ tốt hơn cho chúng ta.

Copper Pacific

Nghiên cứu về tính khả thi cho thấy Isoman sẽ là một nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước. Lợi nhuận tài chính sẽ lớn hơn 60% lợi nhuận thu được từ sản xuất đường và du lịch cộng lại. Những lợi ích kinh tế bao gồm công ăn việc làm, cơ sở hạ tầng, thông tin, thu nhập từ trao đổi với nước ngoài và sự phát triển mở rộng của nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của công nhân. Những lợi ích cho xã hội bao gồm giáo dục, những dịch vụ chăm sóc y tế và các dịch vụ cộng đồng khác

 


[1] Một loại cây thuộc họ Hồ tiêu được nuôi để lấy củ và dùng làm  thức uống truyền thống của người Fiji, một quốc đảo phía nam châu Đại Dương