HỌC BÊN NGOÀI LỚP HỌC

 

 

GIỚI THIỆU

Mô – đun này cung cấp ví dụ về các cách thức có thể sử dụng phương pháp học tập bên ngoài lớp học (learning outside the classroom) để thúc đẩy giáo dục vì sự PTBV. Học bên ngoài lớp học bao gồm những cuộc thăm quan ngắn trong khuôn viên trường học và tới cộng đồng địa phương, hay đi thăm các nông trại, nhà máy, văn phòng, trung tâm khoa học hoặc những khu vực tự nhiên như một khu rừng, bãi biển hoặc vườn quốc gia.

Tổ chức cho học sinh tham gia những hoạt động học tập có chất lượng trong các tình huống thích hợp bên ngoài lớp học là thực sự cần thiết. Điều đó giúp các em thu nhận những kinh nghiệm trực tiếp từ nhiều góc độ quan điểm khác nhau. Kinh nghiệm đạt được từ bên ngoài lớp học cũng giúp nâng cao tinh thần học tập khi tạo cơ hội cho các em thực hành những kĩ năng như tra cứu, phân tích và làm rõ các giá trị, và giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, việc đưa học sinh đi thực địa đòi hỏi chúng ta phải lên kế hoạch cho các hoạt động học tập một cách cẩn thận và chú ý tới những rủi ro liên quan đến sức khỏe và sự an toàn có thể gặp phải. Mô – đun này sẽ cung cấp hướng dẫn để xây dựng kế hoạch cho việc học tập bên ngoài lớp học.

 

MỤC TIÊU

1.    Nâng cao nhận thức về tác động tích cực của những hoạt động bên ngoài lớp học tới giáo dục vì sự PTBV

2.    Nâng cao hiểu biết về việc lên kế hoạch, tổ chức và quản lí rủi ro – những kĩ năng cần khi giảng dạy và học tập bên ngoài lớp học; và

3.    Xác định những phương pháp hợp lí cho giảng dạy và học tập bên ngoài lớp học.

 

HOẠT ĐỘNG

  1. Học tập tại khu vực địa phương
  2. Các phương pháp tiếp cận đối với học bên ngoài lớp học
  3. Lên kế hoạch học bên ngoài lớp học
  4. Quản lí rủi ro
  5. Hoạt động tổng kết

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(2000) Focus on Fieldwork: Special Issue, Teaching Geography, 25(2).

Department for Education and Employment (1998) Health and Safety of Pupils on Educational Visits, HMSO, London.

Department for Education and Skills (2006) Learning Outside the Classroom Manifesto, Learning Outside the Classroom.

Department for Education and Skills & Department for Culture, Media and Sport (2006) Laying the foundations: Using the built environment to teach.

DeWitt, J. and Storksdieck, M. (2008) A short review of school field trips: key findings from the past and implications for the future, Visitor Studies, 11(2), pp. 181-197.

Laws, K. (1989) Learning geography through fieldwork, in Fien, J., Gerber, R. and Wilson, P. (eds) The Geography Teacher’s Guide to the Classroom, 2nd edition, Macmillan, Melbourne.

Rogers, A. (ed) (1995) Taking Action: An Environmental Guide For You and Your Community, United Nations Environment Programme, Nairobi.

Smith, M. (2002) Exploring a changing world: A guide to fieldwork for youth expeditions, Young Explorers Trust

XÂY DỰNG MÔ – ĐUN

Mô – đun này do Bernard Cox viết cho UNESCO, sử dụng tài liệu soạn thảo bởi Barry Law trong chương trình Học tập vì một môi trường bền vững (UNESCO – ACEID)

 

 

HOẠT ĐỘNG 1: HỌC TẬP TẠI KHU VỰC ĐỊA PHƯƠNG

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

CÁC QUAN ĐIỂM VỀ DẠY VÀ HỌC BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Bối cảnh: Trong phòng giáo viên

Giáo viên A:    Tôi nhất định phải tổ chức một vài chuyến đi thực địa cho lớp của tôi mới được. Các em học sinh lớp tôi đã học về vấn đề quản lí rác thải trong 2 tuần rồi và các em cần phải đến và xem người ta làm thế nào ở quanh đây.

Giáo viên B:    Anh định đi đâu?

Giáo viên C:    Với chủ đề này tôi thường cho các em đi xe buýt đến khu xử lí rác thải. Tôi đã soạn ra một loạt những câu hỏi và một số điều thú vị để chỉ cho các em rồi.

Giáo viên B:    Tôi ghét đi thực địa. Luôn luôn phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ và phải trông chừng bọn trẻ. Tôi thà đi một mình và lượm lặt những điều quan trong nhất, rồi sau đó chuẩn bị bài giảng, dạy trên lớp, và đảm bảo chắc chắn học sinh phải ghi chép đầy đủ.

Giáo viên A:    Tôi cũng không định làm nhiều phiếu hỏi cho học sinh đâu, tôi chỉ muốn các em có những quan sát thật chính xác và tự đặt ra câu hỏi thôi.

Giáo viên C:    Tại sao?

Giáo viên A:    Ở lớp tôi hôm trước, có hai học sinh nói chúng nhìn thấy một số cá chết trên sông. Các em khác nói đã xem một bản tin về vấn đề này trên ti vi rồi. Các em thực sự rất háo hức vì bản tin trên ti vi nói về đúng chủ đề đang học trên lớp – và đây là một ví dụ ở địa phương. Các em đều muốn thăm khu xử lí rác thải để tìm hiểu xem rác thải được thu gom và xử lí như thế nào để các chất thải độc hại không bị rò rỉ ra sông nữa.

Nguồn: Phỏng theo Laws, K. (1989) Học địa lí từ việc đồng áng, trong Fien, J., Gerber, R. và Wilson, P. Cẩm nang lên lớp của giáo viên địa lí, bản 2, Macmillan, Melbourne, trang 104. (Laws, K. (1989) Learning geography through fieldwork, in Fien, J., Gerber, R. and Wilson, P. (eds) The Geography Teachers’ Guide to the Classroom, 2nd edition, Macmillan, Melbourne, p. 104.)

Câu hỏi 1: Hãy chỉ ra những quan điểm khác nhau giữa 3 giáo viên nói trên đối với việc học tập bên ngoài lớp học?

Câu hỏi 2: Những quan điểm này có phổ biến ở trường bạn không? Tại sao?

Câu hỏi 3: Bạn có biết còn có quan điểm nào khác nữa về dạy và học bên ngoài lớp học?

 

 

THÁCH THỨC CỦA VIỆC HỌC BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Mặc dù có nhiều lập luận ủng hộ, nhưng phương pháp học bên ngoài lớp học vẫn phải đối mặt với những thách thức chính như sau:

·         Các yếu tố về mặt tổ chức, ví dụ rất khó để kiểm soát một nhóm đông học sinh cũng như hỗ trợ các em khi cần

·         Bỏ lỡ những tiết học “thông thường“ trên lớp và phải thay đổi thời khóa biểu

·         Cần thời gian để lên kế hoạch cho một chuyến đi thực địa ý nghĩa

·         Chi phí đi lại và ăn ở, nếu có

·         Thiếu hụt kiến thức cụ thể về địa phương

·         Vấn đề an toàn của học sinh

·         Học sinh thiếu các kĩ năng cần thiết

Bất luận những thách thức đó, chúng ta cần nhớ rằng những bài học ý nghĩa và lắng đọng nhất thường là những bài học mà học sinh được chủ động khám phá sự phong phú của môi trường bên ngoài lớp học.

Học tập ngoài lớp học cũng tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh gần gũi và hiểu nhau hơn thông qua những hoạt động tương tác và hỗ trợ lẫn nhau bên ngoài lớp học và khuôn viên trường học.

 

CƠ HỘI CỦA VIỆC HỌC BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Học sinh có thể học rất nhiều từ môi trường bên ngoài như:

·         Khuôn viên xung quanh trường học

·         Trung tâm đô thị

·         Cộng đồng địa phương

·         Khu vực nông thôn và thiên nhiên.

Câu hỏi 4: Với từng khu vực trên, hãy miêu tả một hoạt động học tập phù hợp

Có rất nhiều cách để tích hợp việc học bên ngoài lớp học vào trong chương trình giảng dạy ở nhà trường – chứ không phải chỉ trong các môn học như xã hội học, địa lí và các môn khoa học vốn có truyền thống thực địa. Ngôn ngữ, nghệ thuật, toán học, kinh doanh, thương mại và nhiều môn khác nữa đều có thể học từ bên ngoài lớp học.

Ví dụ, trong ngôn ngữ học, các kĩ năng nghe nói đọc viết có thể được phát triển thông qua những hoạt động trải nghiệm có được bên ngoài lớp học.

 

Nghe và nói

Khuôn viên trường và khu vực xung quanh

·         Lắng nghe các âm thanh và xác định chúng

·         Quan sát và thảo luận các quá trình ra quyết định và giải quyết xung đột

·         Phỏng vấn

Cộng đồng địa phương

·         Thăm đồn cảnh sát, trạm y tế, ngân hàng, chợ hay công viên và nhận biết sự khác biệt trong giọng điệu mọi người sử dụng

·         Thăm trung tâm thanh niên và ghi lại các loại âm thanh khác nhau khi mọi người tham gia các hoạt động khác nhau.

Trung tâm đô thị

·         Đi thăm một khu vực đô thị và lắng nghe các âm thanh của thành phố – chợ, bến tàu, ngã tư đông đúc, v.v.

·         Đi thăm và nói chuyện với những người sống và làm việc trong thành phố

·         Xây dựng một chương trình phát thanh dựa trên âm thanh và tiếng nói của thị trấn

Khu vực nông thôn và ngoài thiên nhiên

·         Lắng nghe âm thanh của rừng, bờ biển hay một dòng suối đang chảy

·         Lắng nghe âm thanh trong một trang trại. Đề nghị những người nông dân giúp bạn nhận biết chúng

Đọc

Khuôn viên trường và khu vực xung quanh

·         Đọc các bảng tin của trường

Cộng đồng địa phương

·         Tới thăm và đọc sách tại thư viện địa phương

·         Đọc các tài liệu liên quan đến người dân và địa phương, liên hệ với kinh nghiệm của bản thân

Trung tâm đô thị

·         Đọc các biển báo trong thị trấn, từ biển báo giao thông đến các biển quảng cáo

Khu vực nông thôn và ngoài thiên nhiên

·         Làm theo các chỉ dẫn văn bản đối với các hoạt động cá nhân hoặc nhóm

·         Đọc truyện, thơ và những câu chuyện thực về lịch sử tự nhiên

Viết

Khuôn viên trường và khu vực xung quanh

·         Biên soạn sơ đồ trường học để hướng dẫn khách thăm quan

·         Viết mô tả về một ngày đặc trưng của học sinh

Cộng đồng địa phương

·         Ghi lại các thông tin và dữ liệu về địa phương để dùng trong các hoạt động sau này, ví dụ: trong diễn kịch, kịch câm, múa hoặc phim ảnh

·         Viết về gia đình, cộng đồng hay những kinh nghiệm liên quan đến công việc

Trung tâm thành thị

·         Viết thư cho biên tập viên của một tờ báo về các vấn đề quan tâm hiện tại.

Khu vực nông thôn và ngoài thiên nhiên

·         Làm thơ diễn tả cảm xúc khi ngồi giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp

Nguồn: Phỏng theo Learning Media (1992) Anywhere, Everywhere, Ministry of Education, New Zealand

 

Câu hỏi 5: Liệt kê các hoạt động ngoài lớp học cho những môn học sau đây:

·         Nghệ thuật

·         Khoa học

·         Nghiên cứu xã hội, lịch sử và địa lí

·         Toán học.

 

 

HOẠT ĐỘNG 2: CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐỂ HỌC BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

MỤC TIÊU CỦA HỌC TẬP BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Việc học tập bên ngoài lớp học có thể được thực hiện thông qua việc lấy giáo viên làm trung tâm (teacher-centered) và mang tính giải thích (expository), hoặc cũng có thể lấy người học làm trung tâm (student-centered) và dựa vào tra cứu (enquiry-based) nhiều hơn. Sự lựa chọn này phụ thuộc vào bản chất và mục tiêu của tiết học.

Hàng loạt mục tiêu có thể đạt được thông qua học tập bên ngoài lớp học, như là:

·         Hình thành thái độ và phát triển ý thức về thẩm mĩ

·         Phát triển sự hiểu biết và kiến thức

·         Phát triển các kĩ năng

Mặc dù giáo viên là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi việc xảy ra trong tất cả các bài học, nhưng những kinh nghiệm có được từ các buổi học ngoài trời sẽ gúp học sinh đẩy mạnh ý thức trách nhiệm của các em với nhau và với nhiệm vụ mà các em đang thực hiện.

Khi lên kế hoạch học ngoài trời, cần lựa chọn các hoạt động phù hợp với mục tiêu và mục đích của chuyến đi thực tế. Việc xác định mục tiêu sẽ phụ thuộc một phần vào thời điểm tiến hành chuyến thực địa xét trong trình tự tiến hành các hoạt động học tập:

·         Vào thời điểm ban đầu của quá trình học, việc học tập ngoài trời có thể được sử dụng cho mục đích thu thập thông tin và tạo động lực cho học sinh

·         Vào thời điểm gần cuối của một hoạt động, việc học tập ngoài lớp học có thể được sử dụng để kết nối các chủ đề lại với nhau

·         Khi được lồng ghép xuyên suốt trong quá trình học tập, việc học ngoài lớp học có thể giúp học sinh mở rộng sự hiểu biết về các khái niệm, về các kiến thức khái quát và về các nguyên tắc.

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Có hai phương pháp (approaches) phổ biến: (i) Giảng dạy thực địa (Field Teaching) và (ii) Nghiên cứu thực địa (Field Research).

Giảng dạy thực địa

·         Nghiên cứu các chủ đề hoặc nội dung trong lớp học: giáo viên giảng, nghiên cứu sách giáo khoa, ghi chép, xem các slide, phim ảnh, v.v…

·         Quan sát thực địa (thường có sự hướng dẫn của giáo viên). Ghi chép các thông tin thực địa và đưa ra một số diễn giải

·         Quay lại lớp học – diễn giải và giải thích một cách kĩ càng hơn – viết báo cáo thực địa.

Đây là phương pháp truyền thống đối với việc dạy và học bên ngoài lớp học. Trong phương pháp này, học sinh được đưa đến một địa điểm thực địa nào đó, nghe giáo viên giảng một bài giảng ngắn và ghi chép. Các em có rất ít cơ hội để đóng góp ý kiến và trả lời.

Nếu được tiến hành tốt, phương pháp này có thể cuốn hút học sinh vào việc quan sát và mô tả tỉ mỉ một quang cảnh hoặc hoạt động nào đó, và giúp các em đưa ra các lí giải hợp lí dựa trên những thông tin đã thu được trước đó.

Phương pháp này phù hợp với những trường hợp học sinh chưa có kinh nghiệm quan sát hoặc khi các em chưa tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của mình. Phương pháp này đưa ra một cách cụ thể để các em tự tìm ra ví dụ như một phần không thể thiếu trong hoạt động học tập.

 

Nghiên cứu thực địa

·         Xác định vấn đề: từ những quan sát trực tiếp; từ việc học trên lớp; hoặc từ những mối quan tâm đặc biệt của học sinh.

·         Đưa ra một giả thuyết: sau khi đã đọc, thảo luận và suy nghĩ.

·         Tiến hành các hoạt động thực địa nhằm thu thập thông tin để kiểm tra giả thuyết.

·         Phân tích tài liệu – xử lí thông tin

·         Kiểm tra giả thuyết – chấp nhận hay bác bỏ.

·         Thảo luận và vạch ra các phương án nhằm giải quyết vấn đề đã xác định từ đầu dựa trên những thông tin thu thập được từ thực địa.

Phương pháp này là một phương pháp quy nạp (an inductive approach) trong học tập. Nghiên cứu thực địa bao gồm việc quan sát, miêu tả và giải thích với mục đích trọng tâm là nhằm giải quyết vấn đề. Trong đó, học sinh thường sử dụng những kĩ năng tương tự khi tra cứu về lịch sử, nghiên cứu địa lí hoặc trong khi đưa ra những giải thích mang tính khoa học. Đây là phương pháp qui nạp trong hoạt động thực địa.

Nguồn: Phỏng theo Laws, K. (1989) Learning geography through fieldwork, in Fien, J., Gerber, R. and Wilson, P. (eds) The Geography Teachers’ Guide to the Classroom, 2nd edition, Macmillan, Melbourne, pp. 105-116

Câu hỏi 6: Với từng phương pháp nói trên, bạn hãy đưa ra một ví dụ về học tập bên ngoài lớp học.

Câu hỏi 7: Giải thích những ưu điểm và nhược điểm về giáo dục của hai phương pháp trên, thông qua những câu hỏi sau:

·         Động lực hay sự khích lệ của hai phương pháp này có giống nhau không?

·         Ai là người chỉ ra vấn đề, hay đưa ra chủ đề ban đầu để nghiên cứu?

·         Có hay không những giả thuyết cần được kiểm tra trong cả 2 phương pháp không?

·         Lí do của việc thu thập dữ liệu là gì? Lí do của hai phương pháp này có khác nhau không?

·         Ai là người phân tích, xử lí và giải thích các dữ liệu – học sinh, giáo viên hay cả hai?

·         Báo cáo thực địa thường có chỉ ra cách giải quyết vấn đề không?

 

NGHIÊN CỨU THỰC ĐỊA CÓ SỰ HƯỚNG DẪN (GUIDED FIELD RESEARCH)

Phương pháp nghiên cứu thực địa có sự hướng dẫn (Guided Field Research) là sự tổng hợp của cả giảng dạy thực địa và nghiên cứu thực địa. Trong đó kết hợp giữa tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và cấu trúc trong giảng dạy thực địa với trọng tâm nghiên cứu mang tính độc lập trong nghiên cứu thực địa.

Nghiên cứu thực địa có sự hướng dẫn là một hình thức nghiên cứu thực địa đã được sửa đổi cho phù hợp với đối tượng học sinh nhỏ tuổi hoặc chưa có kinh nghiệm học tập ngoài trời.

·         Những gì học sinh nghĩ chính là câu trả lời. Hãy đưa ra nhận định này như một giả thuyết.

·         Tiến hành các hoạt động thực địa để thu thập dữ liệu trả lời các câu hỏi.

·         Những kết luận của học sinh có thống nhất với những câu trả lời của các em trước thực địa không? Tại sao có/Tại sao không?

·         Kiểm tra giả thuyết – chấp nhận hay bác bỏ.

·         Thảo luận và xây dựng các phương án khả thi để trả lời các câu hỏi dựa trên những thông tin thu thập được từ thực địa.

Nguồn: Phỏng theo Laws, K. (1989) Learning geography through fieldwork, in Fien, J., Gerber, R. and Wilson, P. (eds) The Geography Teachers’ Guide to the Classroom, 2nd edition, Macmillan, Melbourne, pp. 105-116.

 

 

HOẠT ĐỘNG 3: LÊN KẾ HOẠCH CHO VIỆC HỌC BÊN NGOÀI LỚP HỌC

Hãy mở số tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Thông thường có ba giai đoạn để học tập bên ngoài lớp học được hiệu quả:

·         Chuẩn bị tại lớp học (giai đoạn trước chuyến đi thực địa)

·         Hoạt động thực địa (giai đoạn trong chuyến đi thực địa) và

·         Hoạt động tiếp theo tại lớp học (giai đoạn sau chuyến đi thực địa).

Bước mấu chốt của việc lên kế hoạch cho việc học ngoài trời hiệu quả là chỉ ra được những nhiệm vụ cần hoàn thành trong mỗi giai đoạn nói trên.

Hãy nhìn vào bảng miêu tả một số nhiệm vụ đó:

Câu hỏi 8: Phân tích trường hợp nghiên cứu về một lớp học địa lí ở Nepal. Ở đây, học sinh đã có những hoạt động tại chính ngôi làng của các em để tham gia xây dựng một kế hoạch quản lí vì sự phát triển bền vững của địa phương. Đây là một phần trong hoạt động học tập ngoài lớp học của các em.

·         Hãy liệt kê những điều học sinh cần biết trước khi tiến hành hoạt động học tập bên ngoài lớp học.

·         Hãy liệt kê những kĩ năng mà học sinh sẽ cần phải sử dụng khi tiến hành những hoạt động bên ngoài lớp học.

·         Những hoạt động tiếp theo nào sẽ được thực hiện sau khi quay lại lớp học?

 

CHUẨN BỊ

Việc đưa học sinh ra khỏi khuôn viên trường học đòi hỏi rất nhiều việc chuẩn bị, từ các thủ tục hành chính, đến sự an toàn của các em, các nghĩa vụ pháp lí cũng như việc lên kế hoạch sư phạm. Những việc chuẩn bị đó bao gồm:

·         Làm quen dần với những quy tắc và thủ tục của trường học cũng như của hệ thống nói chung liên quan đến các hoạt động dạy và học ngoài lớp học.

·         Đi tiền trạm địa điểm thực địa.

·         Đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho chuyến học tập.

·         Xác định xem bạn sẽ vận dụng và tiếp nối các hoạt động học tập trước đó như thế nào.

·         Lên kế hoạch cho các hoạt động học tập trước chuyến đi thực địa và chuẩn bị cho học sinh hiểu được tính chất học tập chủ động của chuyến đi thực địa.

·         Chuẩn bị cho các hoạt động thực địa và các nguồn lực cần thiết.

·         Xác định thời gian cần thiết để hoàn thành các công việc tại thực địa và thời gian đi lại.

·         Xác định tỉ lệ học sinh/người lớn hợp lí. Có thể sẽ cần đến các bậc phụ huynh hoặc những người khác tại cộng đồng để hỗ trợ giáo viên trong việc giám sát học sinh.

·         Chuẩn bị những thông tin giới thiệu về chuyến đi cho phụ huynh hoặc người hỗ trợ khác tại cộng đồng.

·         Nhận thức rõ các nhân tố có thể gây mất tập trung đối với học sinh tại địa điểm thực địa.

·         Xác định các nguy cơ và kiểm soát chúng một cách hợp lí, hay nói một cách khác, chúng ta cần xem xét những nguy cơ có thể xảy ra và làm thế nào để giải quyết.

·         Sắp xếp và chuẩn bị các việc sau:

o   Mẫu thư phụ huynh đồng ý cho học sinh đi thực địa

o   Yêu cầu về đồ ăn uống

o   Giấy phép thăm quan thực địa

o   Các cơ sở vật chất về vệ sinh cá nhân

o   Tài chính

o   Thời gian khởi hành và đến nơi

o   Phương tiện di chuyển

o   Vấn đề bảo hiểm

o   Quần áo và trang thiết bị cần thiết cho thực địa.

 

 

HOẠT ĐỘNG 4: QUẢN LÍ RỦI RO

Việc lên kế hoạch để giảm thiểu các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của học sinh là phần không thể thiếu được của việc học tập bên ngoài lớp học. Quản lí rủi ro bao gồm các hoạt động xác định rủi ro, đánh giá và giảm thiểu những rủi ro này.

Sự nhận thức về những rủi ro tiềm tàng khiến chúng ta phải có những cân nhắc cẩn thận về những hoạt động định triển khai, tại sao lại thực hiện chúng và xem xét liệu chúng ta có đủ kĩ năng dẫn dắt và đảm bảo các hoạt động đó diễn ra một cách an toàn.

Những kĩ năng then chốt giúp giảm thiểu mức độ rủi ro trước và trong khi diễn ra các hoạt động bao gồm:

Quản lí áp đặt (Directive Leadership)

Sử dụng những hướng dẫn mang tính bắt buộc để giảm thiểu nguy cơ rủi ro của một số hoạt động nhất định. Phải luôn luôn đảm bảo rằng mỗi hướng dẫn đưa ra đều kèm theo lí do để các em có thể rút ra kinh nghiệm từ đó. Ví dụ, sẽ là hợp lí khi chúng ta yêu cầu học sinh:

·         Tránh xa những bờ vực sâu và không an toàn khi đi bộ.

·         Mặc thêm quần áo nếu trời lạnh hoặc ở khu vực nhiều gió

·         Làm việc theo từng nhóm hai người một và không được di chuyển sang những khu vực khác trước khi có sự đồng ý của giám sát viên.

Hiểu rõ học sinh của bạn

Khi bạn hiểu rõ học sinh của mình thì bạn sẽ nắm được khả năng của các em, nhu cầu từng em, tính cách và phản ứng của các em khi gặp khó khăn v.v… Nếu biết được những điều trên, bạn sẽ gặp ít khả năng để học sinh rơi vào những tình huống mà các em không thể tự xử lí được hoặc những nơi quá nguy hiểm đối với các em.

Nói chuyện về những rủi ro tiềm tàng

Đây là một phương pháp quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro cả trước và trong khi diễn ra các hoạt động học tập tại thực địa. Sẽ không đủ nếu chỉ một mình giáo viên biết đường đi hay các phương án đối phó với tình huống bất ngờ. Những người lãnh đạo tốt phải luôn chia sẻ với những thành viên tham gia về các hoạt động dự định thực hiện càng nhiều càng tốt thông qua nhiều cách khác nhau, lấy ví dụ như:

·         Nói cho các nhóm biết tên của địa điểm thực địa và phân phát bản đồ của khu vực đó cho các em

·         Chỉ dẫn cho các em biết phải làm gì khi bị tách khỏi nhóm

·         Chỉ cho các em biết ai là người giữ những đồ dùng khẩn cấp và ai có kĩ năng sơ cấp cứu.

 

Giảng dạy theo tiến trình (Teaching By Progression)

Giảng dạy theo tiến trình bao gồm việc giảng dạy một kĩ năng nào đó bằng cách chia chúng thành các phần từ dễ đến khó – và sau đó tăng dần mức độ phức tạp của nhiệm vụ cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng. Ví dụ, việc truyền đạt kĩ năng đọc bản đồ cho một chuyến tham quan rừng có thể bao gồm những bước sau đây:

Bước 1: Các tiết học trên lớp với những bản đồ đơn giản

Bước 2: Các tiết học thực hành tại một khu vực xung quanh gần đó

Bước 3: Các tiết học trên lớp với bản đồ địa hình

Bước 4: Bài tập thực hành trong một khu vực rộng hơn có ranh giới rõ ràng

Bước 5: Tiết học thực hành trong rừng.

Phương pháp này đảm bảo học sinh sẽ học được những kĩ năng cần thiết, từ đó hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra, lấy ví dụ như bị lạc đường khi tham gia các chuyến đi thực địa.

Nâng cao ý thức về an toàn

Ý thức về sự an toàn là một quá trình tiếp diễn của việc liên tục đánh giá và áp dụng những những kĩ năng và kiến thức trong các tình huống mới và khác lạ nhằm đưa ra các quyết định xử lí để ngăn chặn những tai nạn có khả năng xảy ra. Song song với sự tích lũy kinh nghiệm của giáo viên thông qua các chuyến đi thực tế với học sinh, thông thường nhận thức của các em học sinh về vấn đề an toàn cũng được nâng cao tương ứng.

 

 

HOẠT ĐỘNG 5: HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hoạt động tổng kết mô – đun: Hãy nhìn lại các hoạt động và bài tập của mô – đun để kiểm tra xem bạn đã làm xong chưa. Bổ sung và hoàn tất các phần để kết thúc mô – đun.

Câu hỏi 9: Một tương lai bền vững đòi hỏi chúng ta phải có một cách ứng xử có đạo lí đối với người khác và với môi trường tự nhiên. Sử dụng những ý tưởng trong mô – đun này và kinh nghiệm bản thân, bạn hãy viết một bài trình bày ngắn về việc bạn và học sinh của bạn sẽ ứng xử như thế nào trong khi học tập ở địa phương. Bài trình bày này có thể được coi như một “Hiến chương cho việc Học tập bên ngoài lớp học” (Charter for Learning Outside the Classroom).

Câu hỏi 10: Khi lên kế hoạch cho việc học tập bên ngoài lớp học, giáo viên cần phải ý thức được nguy cơ rủi ro và những vấn đề an toàn liên quan. Hãy liệt kê những nơi bạn có thể nhận được thêm những lời khuyên để xác định và quản lí những rủi ro có thể xảy ra khi bạn lên kế hoạch cho hoạt động thực địa tại địa phương.

 

 

 

 

BA GIAI ĐOẠN ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ĐI THỰC ĐỊA

 

Giáo viên

Học sinh

Giai đoạn 1: Trước chuyến đi thực địa

Quyết định quá trình đi thực địa

Xem lại kiến thức và kĩ năng cần thiết

Tuân thủ theo mọi quy định yêu cầu chính thức

Thông báo cho học sinh, phụ huynh về mục đích, chi phí và sắp xếp cho chuyến đi

Đăng kí địa điểm thực tế và chuẩn bị phương tiện

Thăm quan địa điểm thực địa và lên kế hoạch các hoạt động

Thông báo tóm tắt về chương trình cho các diễn giả được mời

Hoàn thành ma trận phân tích rủi ro

Tổng hợp danh sách học sinh, địa chỉ và số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Hiểu đươc mục đích của hoạt động thực địa (có thể làm tăng quyết tâm học tập của các em)

Phát triến kiến thức và kĩ năng cần thiết

Thực hành các kĩ năng thu thập số liệu

Hiểu rõ trách nhiệm của nhóm và từng cá nhân

Ý thức được phải có sự chuẩn bị sắp xếp trước, các tài liệu và trang thiết bị cấn thiết

Hiểu các yêu cầu về an toàn

Giai đoạn 2: Trong chuyến đi thực địa

Giám sát chung

Hỗ trợ học sinh khi cần thiết

Khuyến khích học sinh tư duy phân tích bằng cách đặt các câu hỏi: tại sao, như thế nào

Quan sát trực tiếp. Ví dụ: nhận dạng, miêu tả, phác họa, đo lường, v.v…

Thu thập và ghi lại số liệu

Sử dụng những kĩ năng thực địa như: phác thảo, vẽ bản đồ, vẽ đường cắt v.v…

Đưa ra phân tích và giải thích sơ khai

Hiểu rõ nhận thức của bản thân cũng như của các cá nhân khác.

Giai đoạn 3:

Sau chuyến đi thực địa

Cung cấp thêm thông tin khi có sự yêu cầu

Hướng dẫn học sinh tới các nguồn thông tin để kiểm chứng những phát hiện của các em

Đánh giá toàn bộ hoạt động – bao gồm cả việc tổ chức chuyến đi và kết quả học tập thu được.

Sắp xếp lại thông tin thu thập được

So sánh các phát hiện với nhau

Kiểm tra giả thuyết

Đưa ra tổng kết

Thảo luận về những vấn đề gây thắc mắc

Nghiên cứu những câu hỏi chưa trả lời được

Chuẩn bị báo cáo và thuyết trình.

 

Nguồn: Phỏng theo Laws, K. (1989) Learning geography through fieldwork, in Fien, J., Gerber, R. and Wilson, P. (eds) The Geography Teacher’s Guide to the Classroom, 2nd edition, Macmillan, Melbourne, p. 107. :

 

 

Bhorletar – Nepal

Bhorletar là một khu định cư có tốc độ phát triển nhanh với khoảng 150 hộ dân, được quản lí bởi Ủy ban phát triển làng xã (Village Development Committee –VDC) được bầu chọn nên. Khu trung tâm của làng đang phát triển nhanh với 35 căn hộ mới được xây dựng trong năm ngoái, 20 trong số đó là của những người mới nhập cư tới khu vực này. Nhưng do không có kế hoạch phát triển cụ thể, hệ thống kênh mương của ngôi làng bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm, rác thải không được thu gom và hệ thống vệ sinh không đảm bảo.

Trên nhiều khía cạnh, đây là một ngôi làng Nepal điển hình. Mặc dù, đất đai khan hiếm nhưng phần lớn dân làng vẫn sống dựa vào nông nghiệp. Khoảng một nửa tổng diện tích đất đai của làng là đất có thể canh tác, nhưng khi chia đều cho tổng số dân, khoảng 3.000 người, thì mỗi người có được chưa đầy một nửa hecta đất canh tác.

Nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch môi trường cho Bhorletar được bắt đầu từ năm 1990. Một hệ thống các công cụ “Đánh giá nông thôn có sự tham gia” (participatory rural appraisal) được sử dụng để thu thập thông tin về mọi khía cạnh của đời sống và tập quán canh tác của dân làng. Trong đó bao gồm cả việc xây dựng một bản đồ sử dụng đất chi tiết. Một giáo viên địa phương đã được đào tạo để thực hiện những hoạt động này, có sự phối hợp của ủy ban và cả cộng đồng. Các em học sinh trung học học môn địa lí dưới sự hướng dẫn của giáo viên địa phương, đã thực hiện các nhiệm vụ khảo sát và thu thập thông tin về hiện trạng sử dụng đất. Với sự hỗ trợ của hai tổ chức phi chính phủ và nhóm lập kế hoạch của IUCN[1], những người dân bắt đầu bằng việc chuẩn bị một hồ sơ dữ liệu về ngôi làng.

Người giáo viên chịu trách nhiệm tổng hợp, xây dựng nên hồ sơ dữ liệu về ngôi làng này, sau khi trải qua nhiều công đoạn chỉnh sửa. Hồ sơ dữ liệu bao gồm các chi tiết như số lượng các con suối, khoảnh rừng, các loài cây, các vết trượt lở đất, các loại hoa màu canh tác và những khu vực nguy hiểm. Bản hồ sơ dữ liệu này đã nêu bật nên các vấn đề: sự suy kiệt rừng nhanh chóng do gia tăng dân số và nhu cầu về đất nông nghiệp và chất đốt tăng nhanh; sự thiếu thốn nhà vệ sinh đang ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết do sự gia tăng dân số; lũ lụt và xói mòn ở các thung lũng sông; các loại bệnh dịch của gia súc, gia cầm; sự thiếu thốn nước uống sạch, và sự gia tăng nhanh chóng của những nhập cư không có ruộng đất.

Cuối cùng, chính những người dân nơi đây đã xây dựng nên một kế hoạch cải thiện môi trường dựa trên hồ sơ dữ liệu này. Bản kế hoạch được phê duyệt trong các cuộc họp với Hội đồng khu vực và những đại diện từ nhiều ban ngành của Chính phủ Trung ương.

Chính người dân làng đã chọn ra những hoạt động cần ưu tiên hành động và đưa ra một loạt các giải pháp đề xuất như: bảo tồn rừng cộng đồng, cải thiện bếp đun, xây dựng các nhà vệ sinh mới, các đập bảo vệ và trồng rừng phòng hộ để ngăn lũ lụt, nuôi vịt để hạn chế ốc sên, nâng cấp đường xá, phát triển vườn trồng rau và tiếp thị, và xây dựng một trạm xá mới. Những công việc ưu tiên số một được xác định đó là nước uống sạch – được cung cấp bởi một hệ thống ống dẫn và vòi nước tự chảy do cộng đồng chịu trách nhiệm bảo dưỡng dài hạn, bảo vệ lưu vực sông, xây nhà vệ sinh, trồng rau và cây ăn quả để tận dụng những nguồn cung nước thuận tiện. Tất cả dân làng đều giúp xây dựng và lắp đặt hệ thống ống dẫn nước nối với 22 vòi nước. Trong đó bao gồm cả một vòi nước dành riêng cho trường tiểu học mà phụ huynh học sinh cung cấp toàn bộ vật liệu. Các quy định được đặt ra và thống nhất cho việc sử dụng các vòi khác nhau (một số vòi nước chỉ được dùng để lấy nước uống).

Nguồn: Phỏng theo Rowley, J. (1993) Bhorletar: The sustainable village, People and the Planet, 2 (4), pp. 14-19.