KỂ CHUYỆN (STORYTELLING)

GIỚI THIỆU

Ai cũng thích một câu chuyện hay – đặc biệt là các em học sinh. Trên thực tế, khả năng kể một câu chuyện thú vị và cuốn hút là một kĩ năng sư phạm quan trọng. Bởi một câu chuyện hay không chỉ giàu tính giải trí, nó còn có khả năng thu hút sự chú ý của học sinh trong khi các em tiếp thu những kiến thức, thái độ và kĩ năng quan trọng.

Trong cuốn sách của mình, Huyền thoại Trái đất: Kể chuyện trong thời đại chuyển mình (Earthtales: Storytelling in Times of Change – 1992), Alida Gersie đã lưu ý rằng việc kể chuyện có liên quan đến mối quan tâm hiện tại của chúng ta về tương lai, bởi hầu hết các câu chuyện đều tập trung vào Trái đất, Trái đất đã hình thành như thế nào, những vấn đề gì sẽ xảy đến nếu chúng ta quên đi tầm quan trọng của việc sống hòa thuận với Trái đất và giữa chúng ta với nhau.

Hiện nay, phương pháp kể chuyện đang thu hút lại khá nhiều quan tâm như trước đây. Điều này đã khiến nhiều nhà giáo dục suy nghĩ về những phương pháp sử dụng kể chuyện để giúp học sinh khám phá những tầm nhìn và chủ đề chung quan trọng. Mối quan tâm hiện nay về các vấn đề môi trường cũng liên quan trong trào lưu này, thông qua những câu chuyện dân gian về mối quan hệ giữa Trái đất và con người, vốn đã là tâm điểm của kể chuyện từ thuở sơ khai. Những câu chuyện như vậy không chỉ là nguồn cảm hứng, chúng còn ẩn chứa sự hiểu biết về rất nhiều những cách mà chúng ta trân trọng hay phá hủy hành tinh xanh xinh đẹp này. Những câu chuyện cho chúng ta cái nhìn thực tế sâu sắc về các cách giải quyết những vấn đề môi trường hóc búa và dai dẳng nhất hiện nay.

Nguồn: Adapted from Gersie, A. (1992) Earthtales: Storytelling in Times of Change, Green Print, London, p. 1.

Mô-đun này tập trung vào phương pháp kể chuyện với vai trò là một phương pháp giảng dạy quan trọng nhằm đạt được những mục tiêu giáo dục vì tương lai bền vững.

 

MỤC TIÊU

  • Đánh giá đúng vai trò của những câu chuyện là nguồn tư liệu giáo dục, đặc biệt là nguồn cung cấp những chủ đề giảng dạy nhằm hỗ trợ cho giáo dục vì sự PTBV.
  • Phát triển kĩ năng tìm kiếm và kể chuyện để phục vụ chương trình giảng dạy; và
  • Phát triển các phương pháp để tích hợp kể chuyện vào các bài giảng nhằm đạt được các mục tiêu của Giáo dục vì Sự PTBV.

 

CÁC HOẠT ĐỘNG

  1. Kể một câu chuyện
  2. Giá trị của những câu chuyện
  3. Tìm và kể những câu chuyện hay
  4. Sử dụng những câu chuyện bản địa
  5. Sử dụng những câu chuyện thành công
  6. Hoạt động tổng kết

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Atherton J.S. (2009) Learning and Teaching – Stories, tales and myths in teaching [On-line], UK.

Beddes, R. and Johnson C. (eds) (1988) Only One Earth: A Multimedia Education Pack, WWF-UK, Godalming, Surrey.

Campbell, J. (1988) The Power of Myth, Doubleday, London.

De Young, R. and Monroe, M. (1996) Some fundamentals of engaging stories, Environmental Education Research, 2(2), pp. 171-187.

Gersie, A. (1992) Earthtales: Storytelling in Times of Change, Green Print, London.

Gersie, A. and King. N. (1990) Storymaking in Education and Therapy, Jessica Kingsley Publishers, London.

Greenaway, R. (2009) Story making and telling for all [Online].

Kane, S. (1994) Wisdom of the Mythtellers, Broodwin Press, New York.

Knudston, P. and Suzuki, D. (1992) Wisdom of the Elders, Unwin and Allen, Sydney.

Livo, N. and Rietz, S. (1986) Storytelling: Process and Practice, Libraries Unlimited, Colorado.

Mallan, K. (1996) Storytelling Sourcebook, Project SARA, Brisbane.

McDrury, J. and Alterio, M. (2003) Learning through Storytelling in Higher Education: Using Reflection & Experience to Improve Learning, Routledge.

Tobias, B. (2008) Storytelling: storytelling for children aged 2 to 5, User Friendly Resources.

Wright, A. (1995) Storytelling with children, Oxford University Press.

 

XÂY DỰNG MÔ-ĐUN

Mô-đun này do John Fien, Bernard Cox và Margaret Calder viết cho UNESCO, trong đó có sử dụng những ý tưởng, hoạt động và tư liệu được đề xuất bởi Annette Gough, Premila Kumar và John Fien trong chương trình học tập vì một môi trường bền vững (UNESCO – ACEID).

 

 

HOẠT ĐỘNG 1: KỂ MỘT CÂU CHUYỆN

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

 

ĐỌC MỘT CÂU CHUYỆN

Hãy đọc câu chuyện về: "Người Inuit bản địa" dưới đây:

Theo truyền thống, người Inuit sống ở vùng cực Bắc ở phía bắc Canada. Vùng đất này có mùa hè tuy ấm áp nhưng ngắn ngủi, còn mùa đông kéo dài với những trận bão tuyết kéo dài khắc nghiệt. Có thể bạn nghĩ rằng mùa hè ở đây thật thoải mái, nhưng với hàng triệu con côn trùng hút máu, và ruồi muỗi khiến cuộc sống của người dân cũng như động vật nơi đây trở nên rất khó khăn. Thậm chí những con tuần lộc Bắc Mĩ phải di chuyển liên tục để tránh bị muỗi đốt. Mặc dù mùa đông ở đây luôn lạnh cóng, nhưng theo một cách khác, thời tiết vẫn dễ chịu hơn vì không có côn trùng. Nhưng khi vào giữa mùa đông, thời gian có ánh sáng rất ngắn, không những thế gió mạnh và bão tuyết đôi khi tạo ra những vùng trắng mênh mông. Cả bầu trời và mặt đất đều trở nên trắng xóa – bạn không thể phân biệt đâu là trời đâu là đất – do đó những nguời du hành rất dễ bị lạc đuờng. Vậy người Inuit bản địa làm thế nào để tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt và khó khăn như vậy.

Câu trả lời, có lẽ, nằm ở sự khéo léo của họ – khả năng tìm ra giải pháp thông minh cho những vấn đề thường nhật như tìm thức ăn và chỗ ở. Một ví dụ điển hình cho sự khéo léo đó là cách săn chó sói truyền thống – một nguồn cung cấp lông và thức ăn quan trọng của người Inuit. Rõ ràng với đôi chân của mình, người Inuit không thể sánh được với những con sói tốc độ, vì thế họ sử dụng trí thông minh của mình để săn bắt chúng.

Người Inuit mài sắc hai đầu một mảnh sườn cong của con tuần lộc và cẩn thận găm vào trong một miếng thịt hải cẩu để nó có hình chữ U. Khi đã vào trong địa phận của những con sói, người Inuit ném miếng thịt đó vào trong tuyết ở những nơi mà sói có thể tìm thấy. Những con sói đói bụng thấy miếng thịt tươi sẽ nuốt chửng nó và chạy đi. Người Inuit nhẫn nại quan sát và lần theo dấu vết của con sói. Miếng thịt được tiêu hóa dần trong dạ dày của con sói, để lộ ra mảnh xương và bắt đầu cứa vào dạ dày của nó. Người Inuit vẫn theo nó một cách kiên trì. Con sói bắt đầu đi loạng choạng và hoảng sợ vì mảnh xương nhọn bên trong, lúc này người Inuit tiến gần hơn tới con mồi. Thời gian qua đi, con sói gào rú đau đớn và không còn khả năng chạy nữa. Lúc này, người thợ săn Inuit lại gần và kết liễu con sói. Chính sự thông minh khéo léo của người Inuit đã mang lại thịt cho họ trong các bữa ăn và lông thú để làm quần áo.

Câu hỏi 1: Đặc điểm nào làm cho câu chuyện "Người Inuit bản địa" trở nên thú vị?

Có lẽ một số những đặc điểm chung của những câu chuyện hay đó là:

  • Kết cấu chuyện rõ ràng với phần mở đầu, phần diễn biến câu chuyện và một kết thúc ngắn gọn
  • Hành động
  • Miêu tả sinh động
  • Lặp đi lặp lại những chủ đề chính nhằm nhấn mạnh
  • Khơi gợi tình cảm và cảm xúc
  • Các nhân vật phản diện và chính diện.

 

NGHE MỘT CÂU CHUYỆN

Bạn vừa đọc xong câu chuyện “Người Inuit bản địa”. Bây giờ hãy lắng nghe câu chuyện được kể bằng một nguời kể chuyện có kinh nghiệm. Hãy nhắm mắt lại để cho câu chuyện sống động trong trí tưởng tượng của bạn.

Câu hỏi 2: Điều gì làm cho việc lắng nghe một câu chuyện nhìn chung thú vị hơn đọc chính câu chuyện đó?

 

 

HOẠT ĐỘNG 2: GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG CÂU CHUYỆN

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hãy suy nghĩ về vai trò của những câu chuyện trong cuộc sống và quá trình học tập của bạn khi bạn đọc đoạn trích dẫn sau:

Những câu chuyện có một sức mạnh vươn tới phần sâu thẳm bên trong mỗi chúng ta, điều khiển cảm xúc, thôi thúc tâm trí và đưa chúng ta tới cõi vô tận. Mỗi câu chuyện là một sự suy tư, là sự tổ chức cốt yếu thông tin và ý tưởng, là linh hồn của văn hóa và là sự thức tỉnh của loài người. Những câu chuyện còn là phương tiện để chúng ta biết, ghi nhớ và hiểu.

Nguồn: Livo, N. and Ri etz, S.(1986)Storytelling: Process and Practice, Libraries Unlimited, Colorado, p.2

Có nhiều lí do giải thích vì sao những câu chuyện có vai trò quan trọng đối với các nền văn hóa và với mỗi cá nhân chúng ta.

  • Những câu chuyện lưu giữ và mã hóa thông tin, tín ngưỡng cũng như các quy tắc sống.
  • Những câu chuyện nhắc nhở chúng ta về một không gian và thời gian khác, và đưa chúng ta vượt ra ngoài giới hạn của "ở đây và hiện tại". Vì vậy, chúng giúp khơi dậy một quan điểm mới mẻ về hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.
  • Những câu chuyện cung cấp cho chúng ta một kết cấu hoàn chỉnh và thống nhất. Mỗi câu chuyện đều có phần mở bài, thân bài và kết thúc. Gắn với kết cấu đó luôn là một mâu thuẫn cụ thể và những phương án giải quyết mâu thuẫn. Điều này giúp kích thích sự hình thành các giải pháp trong phán đoán của chính chúng ta.
  • Những câu chuyện có thể khơi gợi những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Những cảm xúc này giúp chúng ta làm rõ cảm nhận của mình cũng như truyền lửa cho những khát khao thay đổi.
  • Những câu chuyện, hầu hết trong mọi trường hợp, luôn tạo ra sự trao đổi thông tin. Nghe một câu chuyện không chỉ đơn thuần tạo ra mối liên hệ gần gũi giữa người nghe và người kể mà một khi câu chuyện kết thúc, chúng ta thường tự động quay sang những người khác để nói và chia sẻ những cảm nghĩ của mình. Cũng tương tự như vậy, một câu chuyện hay sẽ không ngừng khơi dậy sự mong muốn được kể lại cho những người khác.
  • Những câu chuyện có thể giúp ta vượt qua những trải nghiệm khó khăn và căng thẳng, nhờ đó chúng ta có thể lấy lại được cảm giác làm chủ và tìm ra những hướng giải quyết mới.
  • Những câu chuyện thường phản ánh những nhận thức, quan điểm của người bản địa, vì thế những bài học về tính bền vững của họ có thể được lan tỏa tới những người khác.

Câu hỏi 3: Bạn hãy nêu một vài lí do tại sao những câu chuyện lại quan trọng trong cuộc sống của bạn. Lấy ví dụ cho từng lí do đó.

 

HOẠT ĐỘNG 3: TÌM VÀ KỂ NHỮNG CÂU CHUYỆN HAY

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

 

TÌM KIẾM NHỮNG CÂU CHUYỆN

Những câu chuyện có thể được tìm thấy ở rất nhiều nơi và thể hiện dưới rất nhiều hinh thức. Ví dụ, nhiều câu chuyện có thể tìm thấy trong sách, tiểu thuyết, những bài thơ va bài hát, Những câu chuyện đó cũng có thể được kể thông qua những điệu nhảy, múa rối, sân khấu, tivi và phim ảnh.

Mục đích của hoạt động này là để giúp chúng ta nhận biết một vài trong số rất nhiều những nguồn cung cấp những câu chuyện hay và giúp ta xây dựng một bộ sưu tập những câu chuyện phù hợp với địa phương.

Giáo viên sử dụng rất nhiều những câu chuyện trong lớp học của mình, Vì thế, việc tạo dựng một cơ sở dữ liệu cho những câu chuyện này là một ý kiến hay. Hoạt động 4 và 5 sẽ trình bày một số ví dụ để giúp bạn xây dựng bộ sưu tập này,

Câu hỏi 4: Hãy bắt đầu bằng việc lập một danh sách những câu chuyện bạn đã từng sử dụng (hoặc biết) phù hợp với những bài học về tương lai bền vững.

 

NGHỆ THUẬT KỂ MỘT CÂU CHUYỆN HAY

Kể chuyện là một nghệ thuật và đôi khi chúng ta có thể thấy ngại ngùng khi kể trước đám đông. Tuy nhiên, nghệ thuật kể chuyện là một kĩ năng có thể được trau dồi và hoàn thiện thông qua tập luyện.

Để trở thành một người kể chuyện tự tin và hấp dẫn, chúng ta không chỉ cần chọn những câu chuyện hay mà chúng ta còn cần rèn luyện để nâng cao kĩ năng kể chuyện.

Dưới đây là sáu nguyên tắc để luyện tập kể chuyện một cách hiệu quả. Hãy áp dụng những nguyên tắc này một cách chọn lọc, thay đổi chúng cho phù hợp với phong cách của bạn và những tình huống dạy học cụ thể.

Lựa chọn

Hãy chọn một câu chuyện học sinh thích thú và muốn nghe. Như tất cả mọi người, học sinh thích những câu chuyện có tính hài hước, bất ngờ, hồi hộp, có những nhân vật thú vị và những đoạn hội thoại sắc bén. Tuy nhiên, câu chuyện cũng phải phù hợp với nội dung bài học, bởi học sinh có thể dễ dàng nhận ra câu chuyện đó chỉ để lấp thời gian chết, chứ không phải là một phần chính của bài học.

Đầu tư thời gian

Để học một câu chuyện, bạn cần một khoảng thời gian tập trung không bị sao nhãng bởi những vấn đề khác. Hãy dành một khoảng thời gian (khoảng 30 phút) để đọc câu chuyện một vài lần và tập trung vào những tình tiết chính trong cốt truyện, những nhân vật và tính cách của họ, và bất kì những “giọng điệu” khác nhau nào mà bạn sẽ sử dụng.

Mang đến cho câu chuyện những âm sắc

Sau khi đọc thầm câu chuyện một vài lần, bạn hãy thử cố gắng đọc to câu chuyện. Bạn có thể muốn đánh dấu những phần cần nhấn mạnh, những đoạn điệp khúc, đoạn mở đầu và kết thúc. Hãy ghi nhớ rằng kể chuyện không có nghĩa là học thuộc câu chuyện từng chữ một. Hãy xem xét những phần nào của câu chuyện bạn muốn kể nguyên văn, phần nào bạn có thể kể lại theo cách của chính mình. Kể lại câu chuyện thật to (không cần sách), bạn sẽ nhận biết được đoạn nào nghe cuốn hút, đoạn nào không.

Bố cục câu chuyện

Hãy đánh dấu vào bố cục của câu chuyện. Điều quan trọng là bạn chỉ đánh dầu và ghi nhớ những từ khóa, những cụm từ hoặc câu chính, nếu không, bạn rất dễ sẽ viết lại cả câu chuyện đó.

Hãy kể câu chuyện mà “không cần đến sách

Cố gắng ghi nhớ đoạn mở đầu và kết thúc của câu chuyện. Việc học thuộc những đoạn hội thoại lặp đi lặp lại cũng cũng rất quan trọng. Khi bạn cảm thấy quen thuộc và thoải mái với câu chuyện, hãy cố gắng kể to mà không nhìn vào sách. Hãy tìm ra những đoạn gây khó khăn cho bạn. Hãy lắng nghe cách nói của những nhân vật của bạn, tập trung chú ý vào những phần bạn nhấn mạnh và cứ như vậy. Vào thời điểm này, việc ghi âm phần kể của bạn vào cuốn băng cat-xet sẽ giúp ích rất nhiều. Đây là một cách tốt để nghe xem những phần nào bạn kể quá nhỏ, quá lớn hay lắp bắp. Nếu bạn học bằng cách nghe, hãy bật lại băng (khi thuận tiện) và nghe lại bất cứ khi nào có cơ hội.

Hãy kể câu chuyện cho một khán giả

Khi bạn cảm thấy tự tin rằng bạn đã hiểu câu chuyện của mình, hãy tìm ai đó để kể lại câu chuyện. Yêu cầu nhận xét. Phần nào bạn làm tốt? Phần nào cần hoàn thiện? Có đoạn nào bạn quên không? Có những từ hoặc cụm từ nào khó nghe hay không? Sau đó, hãy tập lại thêm một vài lần nữa, bởi vì càng luyện tập nhiều, bạn sẽ càng tiến bộ hơn.

Nguồn: Phỏng theo Mallan, K. (1996) Cẩm nang về kể chuyện – Dự án SARA, Brisbane, trang 15-16 (Mallan,K., 1996, Storytelling sourcebook, Project SARA, Brisbane, pp.15-16).

 

 

HOẠT ĐỘNG 4: SỬ DỤNG NHỮNG CÂU CHUYỆN BẢN ĐỊA

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Những câu chuyện bản địa có giá trị đặc biệt lớn với giáo dục vì sự PTBV bởi vì chúng chứa đựng những thông điệp khác so với những câu chuyện thường đuợc kể trên tivi, trên phim ảnh hay trong các chương trình quảng cáo.

Sự nhấn mạnh vào cuộc sống bền vững trong những câu chuyện bản địa được minh họa trong đoạn trích dưới đây từ lời phát biểu của tù trưởng Seattle (1786-1866), một người dân bản địa vùng Bắc Mĩ:

Chúng ta là một phần của Trái đất và trái đất là một phần của chúng ta. Những bông hoa ngát hương là chị em của chúng ta; những con hươu, ngựa, đại bàng là anh em của chúng ta. Những chỏm núi, hương vị của những cánh đồng, sự ấm nóng trên thân thể của chú ngựa con và của chúng ta – tất cả đều thuộc một gia đình. Loài người sẽ ra sao nếu không có những con vật. Khi những con thú ra đi, loài người cũng sẽ tàn lụi theo vì linh hồn của chúng ta sẽ trở nên cô đơn vô cùng. Tất cả những gì xảy ra đối với con thú rồi cũng sẽ xảy đến với con ngưòi. Mọi thứ đều móc nối với nhau.

Chúng ta biết rằng, Trái đất không thuộc về con người, mà ngược lại, con người thuộc về Trái đất. Chúng ta biết rằng, tất cả mọi thứ đều liên kết với nhau như những dòng máu kết nối một gia đình lại với nhau. Mọi thứ đều liên hệ với nhau. Bất cứ điều gì xảy ra với Mẹ Đất đều cũng sẽ xảy đến với những đứa con của Người. Loài nguời không dệt nên mạng luới cuộc sống, mà chỉ là một sợi chỉ trong đó thôi. Bất cứ điều gì con người gây ra cho mạng luới, con người sẽ tự gây ra cho chính mình.

Ghi chú: Tính xác thực của ngôn từ trong bài phát biểu của tù trưởng Seattle là chủ đề của nhiều nghiên cứu gần đây. Bản gốc của lời phát biểu này có trên internet.

Những câu chuyện bản địa rất hữu ích cho việc dạy nhiều chủ đề và bộ môn trong nhà trường. Bạn có thể bắt đầu bộ sưu tập những câu chuyện cho việc dạy học vì tương lai bền vững với những câu chuyện bản địa.

Internet là một nguồn tốt để bạn tìm những câu chuyện như thế này. Hãy bắt đầu bằng những trang web:

·         Thần thoại sáng tạo (Creation Myth) trên Wikipedia

·         Những câu chuyện sáng tạo của Châu Phi (African Creation Stories)

·         Australia – Những câu chuyện về giấc mơ (Stories of the Dreaming)

·         Ấn Độ: Những câu chuyện Hindu (Hindu Stories)

·         Những cửa sổ tới vũ trụ – Huyền thoại, Chuyện kể và Nghệ thuật (Windows to the Universe – Myths, Stories and Art)

Một số gợi ý cho việc lồng ghép những câu chuyện bản địa (và những khía cạnh khác của tri thức bản địa) vào chương trình học được trình bày trong Mô-đun 11.

Mô-đun 11 nhấn mạnh rằng cần cẩn trọng khi sử dụng những kiến thức bản địa trong chương trình giảng dạy bởi vì chúng ta đang động đến những vấn đề nhạy cảm và quan trọng liên quan đến văn hóa, bản sắc và những tài sản trí tuệ.

Câu hỏi 5: Trong sổ tay học tập của mình, bạn hãy liệt kê:

  • Nguồn của những câu chuyện bản địa trong đất nước (hay khu vực) của bạn, có thể được bạn sử dụng trong công tác giảng dạy nhằm hướng tới một tương lai bền vững; và
  • Bạn sẽ xác định những chuẩn mực văn hóa cần lưu ý như thế nào?

 

HOẠT ĐỘNG 5: SỬ DỤNG NHỮNG CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Những xã hội bản địa hay xã hội truyền thống không phải nhóm duy nhất quan tâm đến Trái đất. Có rất nhiều những nhóm người khác nhau hiện nay cũng đang có những hoạt động tích cực để nhằm đảm bảo một tương lai bền vững. Trong đó phải kể đến những tổ chức quốc tế như Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) cũng như nhiều tổ chức phát triển, bảo tồn địa phương, hay các nhóm phụ nữ và thanh niên.

Những câu chuyện thành công từ những nhóm, tổ chức này có thể mang lại hi vọng, và nguồn cảm hứng cũng như minh họa những giải pháp thực tế cho nhiều vấn đề hiện nay.

Hoạt động này dựa trên một tập hợp những câu chuyện ở Sri Lanka. Nó đề cập đến những con người sống tại một ngôi làng trên núi và những cách mà các thầy tu của họ đã khuyến khích họ áp dụng những nguyên tắc sống bền vững mà phù hợp với địa phương để tổ chức cuộc sống của mình.

Hãy nghe "Câu chuyện của thầy tu".

Câu hỏi 6: Những kĩ năng kể chuyện nào làm cho "Câu chuyện của thầy tu" trở thành một câu chuyện hữu ích cho mục đích giáo dục?

Câu hỏi 7: Những mục tiêu giáo dục nào có thể đạt được thông qua việc kể "Câu chuyện của thầy tu" cho các em học sinh?

Hãy xem một số mục tiêu mẫu.

Về mặt giáo dục, những câu chuyện rất quan trọng vì chúng chứa đựng những thông điệp đáng để học hỏi. Hoạt động này minh họa một cách mà học sinh có thể khám phá những thông điệp trong "Câu chuyện của thầy tu". Nó dựa trên sáu nguyên tắc của cuộc sống bền vững mà người thầy tu tin là quan trọng:

Hòa hợp với thiên nhiên

Làm việc theo cách tự nhiên hơn. Học hỏi từ những hình thái hợp tác cơ bản giữa thế giới hữu cơ (sống) và vô cơ (không sống). Tái tạo lại những nguồn tài nguyên. Sống và làm việc với môi trường theo cách thức bền vững.

Chất lượng cuộc sống

Sống ích kỉ chỉ vì những gì ta muốn sẽ dẫn đến sự bất hạnh và xung đột với những người khác cũng như với môi trường. Sống vị tha để cho, để giúp đỡ và phục vụ sẽ dẫn đến hạnh phúc, sự thành công và hòa thuận với mọi nguời và mọi thứ xung quanh.

Tự chủ

Không phụ thuộc vào người khác, đặc biệt là những chuyên gia. Hãy tự ra quyết định, và có trách nhiệm với bản thân. Tham gia và làm những điều chúng ta cảm thấy là đúng.

Sự đa dạng và phong phú

Hãy chào đón những sự khác biệt trong những ý tưởng, ý kiến và những con người khác nhau v.v. Tôn trọng và đánh giá đúng mọi người và những ý tưởng của họ, cho dù họ có thể khác ý tưởng và khác với chúng ta. Đừng mong muốn rằng mọi thứ cần nhất quán hoặc đồng bộ như nhau.

Nhỏ là đẹp

Bất cứ khi nào có thể, việc sắp xếp công việc ở quy mô nhỏ sẽ giúp những người bình thường có thể kiểm soát được tình hình. Những nhóm nhỏ thường giải quyết mọi việc nhanh gọn. Những tổ chức lớn thường khó thay đổi, thậm chí ngay cả khi chúng ta có nhu cầu thay đổi.

Hợp tác và hòa bình

Chúng ta thấy khắp nơi trên thế giới đều có sự cạnh tranh và gây hấn. Con người cảm thấy họ phải chiến thắng được trên một phương diện nào đó để cảm thấy thỏa mãn. Nhưng không phải vậy, chúng ta có thể chia sẻ với nhau các kĩ năng và nguồn lực. Bằng cách làm việc hợp tác với nhau và với môi trường xung quanh, chúng ta có thể có một cuộc sống yên bình và mãn nguyện hơn,

Nguồn: Adapted from Beddes, R. and Johnson

Hãy xác định những hành động mà người dân sống ở ngôi làng Sri Lankan nói trên đã thực hiện nhằm áp dụng 6 nguyên tắc này vào cuộc sống.

Câu hỏi 8: Trong sáu nguyên tắc sống bền vững trên, có nguyên tắc nào có phù hợp với xã hội bạn đang sống không? Hãy lập một danh sách những điều mà bạn, trường học hoặc công đồng dân cư nơi bạn sống có thể thực hiện để làm theo bất kì nguyên tắc nào thuộc sáu nguyên tắc trong "Câu chuyện của thầy tu" nói trên.

 

HOẠT ĐỘNG 6: TỔNG KẾT

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hoạt động tổng kết Mô-đun: Hãy nhìn lại các hoạt động và bài tập của Mô-đun để kiểm tra xem bạn đã làm xong chưa. Bổ sung và hoàn tất các phần để kết thúc Mô-đun.

Câu hỏi 9: Bạn hãy nêu lên ba ý tưởng hoặc kĩ năng quan trọng mà bạn học được trong Mô-đun này.

Câu hỏi 10: Nêu ra những điểm mạnh bạn có khi ở trong vai trò là người kể chuyện.

Câu hỏi 11: Những kĩ năng bạn thấy mình cần phải hoàn thiện hơn nữa để kể chuyện và sử dụng các câu chuyện trong giảng dạy?

Câu hỏi 12: Hãy lựa chọn một câu chuyện mà bạn biết và xây dựng một kế hoạch sử dụng câu chuyện đó trong lớp học của bạn.

 

 

Việc sử dụng "Câu chuyện của thầy tu" trong một bài giảng nhằm giúp chúng ta đạt được những mục tiêu sau:

  • Xác định những nguyên tắc xã hội và sinh thái của một cuộc sống bền vững
  • Đồng cảm với cuộc sống và hoàn cảnh của những người hiện đang sống ở những nơi khác trên thế giới
  • Nhận ra rằng có nhiều người đang thành công trong việc giải quyết những vấn đề môi trường; và
  • Suy ngẫm về những kinh nghiệm thành công của những cộng đồng khác để đánh giá xem họ tương đồng với chúng ta ở những điểm nào.