KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ HỢP LÝ

GIỚI THIỆU

Đã có nhiều thay đổi trong cách suy nghĩ của chúng ta về công tác kiểm tra đánh giá trong những năm gần đây. Trong đó có nhiều sự thay đổi phù hợp cho Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững.

Có lẽ thay đổi đáng chú ý nhất đó là sự tập trung vào mối quan hệ giữa quá trình học tập với sự đo lường và báo cáo kết quả học sinh đã đạt được gì. Mối quan hệ này đã giúp cho việc kiểm tra đánh giá trở thành một phần không thể tách rời của quá trình học tập hàng ngày của học sinh thay vì là một loạt các bài kiểm tra cuối một học kỳ, một khoá học.

Đây là mục đích rất quan trọng trong Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững vì nó bao gồm hàng loạt những mục tiêu liên quan đến kiến thức, kĩ năng, giá trị/quan điểm và hành động.

Mô-đun này đề cập tới các cách đánh giá việc học tập của học sinh sao cho phù hợp với chương trình Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững.

MỤC TIÊU

  • Phát triển sự định hướng và sáng tạo trong việc kiểm tra đánh giá việc học tập trong Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững
  • Phân tích các vấn đề chính liên quan đến công tác kiểm tra đánh giá và đưa ra những quyết định liên quan đến việc tích hợp kiểm tra đánh giá vào quá trình dạy và học có hiệu quả; và
  • Phát triển các kĩ năng sử dụng các phương pháp phù hợp để kiểm tra đánh giá kiến thức, kĩ năng, giá trị và mục tiêu của Giáo dục vì Phát triển Bền vững

 

HOẠT ĐỘNG

  1. Lớp học của Yim-lin
  2. Định nghĩa kiểm tra đánh giá (assessment) và đánh giá (evaluation)
  3. Thay đổi quan điểm đối với việc kiểm tra đánh giá
  4. Các phương pháp kiểm tra đánh giá
  5. Các bài tập đưa ra quyết định
  6. Tự kiểm tra đánh giá
  7. Hoạt động tồng kết

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Black, P. et al. (2003) Assessment for Learning: Putting it into Practice, Open University Press.

Gardner, J.R. (ed) (2005) Assessment and Learning, Sage Publications.

Harlen, W. (2007) Assessment of Learning, Sage, London.

Harlen, W. (ed) (2008) Student Assessment and Testing (4 Volumes), Sage, London.

Harlen, W. (2003) Enhancing Inquiry through Formative Assessment, The Exploratorium, San Fransisco.

Hunt, G., Murdoch, K. and Walker, K. (1996) Assessment and evaluation: Profiling achievement in SOSE, in R. Gilbert (ed) Studying Society and Environment: A Handbook for Teachers, Macmillan, Melbourne.

Kellaghan, T. and Stufflebeam, D. (eds) (2003) International Handbook of Educational Assessment, Kluwer Academic Publishers, Dordrecht.

Lloyd-Jones, R. and Bray, E. (1986) Assessment: From Principles to Action, Macmillan, London.

McMillan, J. (ed) (2006) Formative Classroom Assesssment: Research, Theory and Practice, Teachers College Press, New York.

Spendlove, D. (2009) Putting Assessment for Learning into Practice (Ideas in Action), Continuum International Publishing Group.

Statterly, D. (1989) Assessment in Schools, Basil Blackwell, Oxford.

William, D. (2009) Assessment for Learning: Why, What and How? Institute of Education.

CÁC TRANG MẠNG

Assessment for Learning – UK

Assessment for Learning Guidance, Qualifications and Curriculum Development Agency, UK.

Assessment for Learning – Australia

Assessment Reform Group – Research on Assessment

 

 

XÂY DỰNG MÔ-ĐUN

Mô-đun này do Bernard Cox, Margaret Calder, Lisa Ryan. Clayton White và John Fien viết cho UNESCO, từ những tài liệu và các hoạt động được chuẩn bị bởi Philip Stimpson trong chương trình Học tập vì một Môi trường Bền vững (UNESCO-ACEID).

 

 

HOẠT ĐỘNG 1: LỚP HỌC CỦA YIM-LIN

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Yim-Lin là một giáo viên ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông của Trung Quốc. Hãy đọc đoạn miêu tả về lớp học trong ngày thứ hai của cô ấy.

Yim-lin bắt đầu một ngày bằng việc đọc một câu chuyện về cuộc sống bên cạnh một dòng sông. Cô hỏi các em học sinh vài câu hỏi để tìm hiểu liệu các em có thích thú với câu chuyện này hay không. Sau đó cô đưa ra thêm một số câu hỏi nhằm hướng các em suy nghĩ về con sông đó, tiến trình nó đổ ra biển, và những gì nó mang theo, từ các nhà thuyền nổi và các chợ.

Các em học sinh sau đó lấy sách bài tập toán ra. Tiếp đó, các em sẽ chép lại các từ luyện phát âm trên bảng vào vở chính tả. Các từ đó là: sông (river), châu thổ (delta), đồng bằng (plains), núi (mountains), đánh bắt (catch), lưu vực (catchment), việc đánh bắt (catching). Các em nhìn vào cách phát âm của các từ có âm "ai” và các từ được cấu trúc từ từ “catch”. Yim Lin dạy cho các em một từ mới, 'phụ lưu sông' (tributaries), và tách nó thành các âm tiết.

Ngay trước giờ ăn trưa, các em học sinh ra ngoài để xây các mô hình từ cát và đá. Các em xây núi, đồng bằng và khu vực bãi biển. Sau đó, các em dùng nước để mô phỏng một con sông chảy ra biển. Yim-lin lắng nghe ý kiến của em học sinh trong khi các em xây dựng mô hình và trong khi các em thảo luận về sự di chuyển của các dòng chảy. Cô đưa ra câu hỏi cho các nhóm học sinh trong lúc quan sát các em, khích lệ chúng suy luận về các quá trình địa lý, và yêu cầu các em sử dụng các thuật ngữ địa lí phù hợp.

Sau bữa ăn trưa trong lớp học, Yim-lin ôn lại kiến thức bằng việc vẽ sơ đồ trên bảng. Học sinh chép lại sơ đồ vào vở và sử dụng các từ được cho ở trên bảng để dán chúng vào sơ đồ. Khi các em hỏi liệu có thể được sử dụng nhiều hơn các từ được cho hay không. Yim-lin nói: "Được chứ". Cô cũng nói với các em rằng nếu các em không chắc chắn về chỗ dán tên, các em có thể thảo luận một cách yên lặng với các bạn khác trong nhóm.

Cuối cùng, Yim-lin yêu cầu các em học sinh đặt bút xuống và nhìn lên bảng. Mỗi học sinh từ mỗi nhóm đi lên và chọn một từ trong danh sách có sẵn trên bảng và điền vào sơ đồ. Các em sử dụng những từ: núi, đồi, đồng bằng, biển, sông, lưu vực nước chảy qua, châu thổ và các phụ lưu sông. Yim-lin khuyên các em thêm các từ: bãi biển (beach) và đồi (hills).

Yim-lin yêu cầu các em học sinh kiểm tra lại sơ đồ của mình và sửa lại cho đúng. Cô đi xung quanh để quan sát những gì các em vừa làm, và nói với cả lớp,"Tất cả các em đã chép sơ đồ rất tốt và dán nhãn sơ đồ rất rõ ràng. Cô rất vui và mong là các em cũng như vậy."

Đến cuối ngày, Yim-lin nói với cả lớp khi các em học sinh đang thu xếp sách vở:” Đối với bài tập về nhà tối nay, các em hãy suy nghĩ tại sao các dòng sông lại quan trọng đối với chúng ta. Hãy liệt kê ra tất cả các lí do mà các em nghĩ tới." Một học sinh tên là Mai-Ling đã nói với Yim-Lin khi cô ra khỏi lớp:"Em rất thích buổi học ngày hôm nay”

Khi trở về nhà, Yim-lin nghĩ về những gì cô đã dạy ở lớp. Điều mà cô hài lòng nhất là việc hầu hết học sinh đã hiểu được các khái niệm và các em rất hứng thú học. Cô tự hỏi là làm thế nào để cô có thể giúp Zellan và Nang-noi, bởi các em không có nhiều nhãn dán đúng trong sơ đồ. Cô tự hỏi tại sao Mai-ling lại yêu thích buổi học – có lẽ là phần xây dựng các mô hình đã giúp các em dễ hiểu hơn. Cô quyết định sẽ sớm thực hiện một hoạt động giảng dạy tương tự.

Câu hỏi 1: Hãy trả lời các câu hỏi về lớp học của Yim-lin:

·         Nội dung nào đã được kiểm tra đánh giá trong lớp học của Yim-lin ngày hôm nay? Yim-lin đã kiểm tra đánh giá học sinh như thế nào?

·         Bạn định nghĩa kiểm tra đánh giá là gì?

·         Bạn biết những ví dụ hay nào về việc kiểm tra đánh giá?

·         Bạn sẽ khuyên Yim-lin nên áp dụng những kỹ năng kiểm tra đánh giá nào?

·         Có những phương pháp đánh giá nào đặc biệt hữu ích cho công tác Dạy và Học vì Một Tương lai Bền vững là gì?

 

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO VIÊN VỀ KIỂM TRA – ĐÁNH GIÁ

Yim-lin và một số giáo viên khác trong trường của cô sẽ tham dự một hội thảo về "Các phương pháp đổi mới trong việc Kiểm tra đánh giá”. Nói về hội thảo sắp tới, dưới đây là những gì một vài người trong số họ chia sẻ về việc kiểm tra đánh giá:

  • Kiểm tra đánh giá chủ yếu là việc lưu giữ và ghi chép về điểm số của sinh viên và những việc tương tự như thế.
  • Đó là việc chúng ta đưa ra các bài kiểm tra và bài thi nhằm tìm hiểu kiến thức của học sinh.
  • Đó là việc tìm hiểu xem học sinh có tăng hiểu biết về các khái niệm hay không.
  • Đó là thứ mà chúng ta sử dụng để kiểm tra sự tiến bộ của học sinh trong lớp
  • Kiểm tra đánh giá là việc tìm hiểu xem các bài giảng của chúng ta có đạt được hiệu quả hay không.
  • Đó là việc tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của học sinh trong học tập, để xem các em cần giúp đỡ ở đâu
  • Đó là thứ mà chúng ta dùng để sắp xếp và phân loại học sinh.
  • Đó là việc được thực hiện bởi hội đồng thi cử và phòng giáo dục.
  • Kiểm tra đánh giá là sự kiểm tra học sinh có đánh vần chính xác, làm toán chính xác, và ghi chép chính xác từ bảng lớp hay không.

 

Câu hỏi 2: Trong số những quan điểm trên, bạn hãy chỉ ra ba quan điểm phù hợp nhất đến Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững. Hãy giải thích rõ lí do cho mỗi sự lựa chọn của bạn.

 

 

 

HOẠT ĐỘNG 2: ĐỊNH NGHĨA KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ (ASSESSMENT) VÀ ĐÁNH GIÁ (EVALUATION)

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

ĐỊNH NGHĨA VỀ KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ

Một trong những chủ đề đầu tiên được thảo luận tại hội thảo của Yim-lin về “Các phương pháp đổi mới trong việc Kiểm tra đánh giá” là sự khác biệt giữa (1) kiểm tra đánh giá và (2) đánh giá.

Yim-lin và các giáo viên tham dự hội thảo được yêu cầu phân tích ba đoạn trích dẫn và đưa ra một danh sách về những điểm khác nhau giữa hai khái niệm này.

Hãy hình dung rằng bạn cũng là một giáo viên tham dự tại hội thảo này.

Câu hỏi 3: Hãy đọc ba đoạn trích dẫn sau đây và xác định điểm khác biệt chính giữa kiểm tra đánh giá và đánh giá.

Kiểm tra đánh giá thường bị đánh đồng với các bài kiểm tra và các kỳ thi. Đây là một sự hiểu nhầm bởi cả hai thứ đó đều không phải là yếu tố cần thiết của việc kiểm tra đánh giá. Kiểm tra đánh giá là một thuật ngữ bao quát. Nó bao trùm tất cả những tình huống mà trong đó việc đo lường một số khía cạnh liên quan của việc giáo dục học sinh được thực hiện, có thể bởi giáo viên, người chấm thi, hay thậm chí là bởi chính người học sinh. Nó quan tâm đến việc học sinh đã làm tốt tới mức độ nào. Đánh giá, trước hết, là việc xem xét xem có cần phải thực hiện việc này hay không. Đánh giá không thể xảy ra nếu không có sự kiểm tra đánh giá.

Nguồn: Phỏng theo Lloyd-Jones, R. and Bray, E. (1986) Kiểm tra đánh giá: Từ Nguyên tắc đến Hành động, Macmillan, London (Lloyd-Jones, R. and Bray, E. ,1986, Assessment: From Principles to Action, Macmillan, London.)

Kiểm tra đánh giá giáo dục là một thuật ngữ bao quát, trong đó bao gồm tất cả các quy trình và công cụ mô tả nội dung cũng như mức độ kết quả học tập của học sinh. Việc học tập đạt được các mục đích và mục tiêu giảng dạy như thế nào, và liên quan thế nào đến môi trường lớp học, vốn được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho học tập.

Nguồn: Phỏng theo Statterly, D. (1989) Kiểm tra đánh giá trong Trường học, Basil Blackwell,oxford (Statterly, D., 1989 Assessment in Schools, Basil Blackwell,Oxford)

Kiểm tra đánh giá là một quá trình giúp giáo viên hiểu được các mức độ kết quả và chất lượng học tập, và từ quá trình này tạo ra các dữ liệu cơ bản mà dựa trên đó giáo viên báo cáo về kết quả và chất lượng của học sinh cho phụ huynh và xã hội. Do vậy, nó phải đáng tin cậy và hợp lý.

Đánh giá được thực hiện nhằm một mục đích khác. Mục đích của đánh giá là cải thiện chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm. Đánh giá là một quá trình. Kiểm tra đánh giá và đánh giá là các bộ phận không thể tách rời của quá trình giáo dục cũng như mọi khía cạnh của việc dạy và học nhằm tạo cơ hội cho cả hai.

Nguồn: Phỏng theo Hunt, G., Murdoch, K. and Walker, K., 1996, Kiểm tra đánh giá và Đánh giá: Tổng hợp những kết quả của SOSE, trong R. Gilbert (biên tập) Nghiên cứu Xã hội và Môi trường: Cẩm nag cho Giáo viên, Macmillan, Melbourne.(Hunt, G., Murdoch, K. and Walker, K.,1996, Assessment and evaluation: Profiling achievement in SOSE, in R. Gilbert (ed) Studying Society and Environment: A Handbook for Teachers)

 

 

HOẠT ĐỘNG 3: THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI VIỆC KIỂM TRA – ĐÁNH GIÁ

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

 

Sau khi các giáo viên đã phân tích các đoạn trích dẫn, người hướng dẫn của hội thảo yêu cầu các giáo viên giải thích cách họ phân biệt kiểm tra đánh giá với đánh giá và đi đến thống nhất về cách hiểu. Đến khi kết thúc thảo luận, mọi người đã thống nhất:

Kiểm tra đánh giá …

là quá trình theo dõi thành tích học tập của học sinh nhằm mục đích phát hiện các điểm mạnh và điểm yếu trong học tập, thông báo cho phụ huynh, và cung cấp giấy chứng nhận thành tích cho cán bộ và các tổ chức giáo dục khác.

Đánh giá….

là quá trình theo dõi với phạm vi rộng hơn mọi khía cạnh của quá trình học tập (bao gồm xem xét sự phù hợp của mục tiêu và nội dung, nguồn tài liệu và các phương pháp giảng dạy; chất lượng của môi trường học tập v.v…) nhằm mục đích đưa ra những đánh giá và đề xuất về các cách cải thiện quá trình học tập.

LÝ DO CỦA VIỆC KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CỦA HỌC SINH

Các giáo viên tham gia hội thảo sau đó đã được yêu cầu so sánh hai quan điểm về kiểm tra đánh giá để xác định quan điểm mà họ cho là phù hợp nhất với Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững.

Quan điểm 1

Giáo viên chúng tôi thường nói rằng việc kiểm tra các em là nhằm xem các em đã học được những gì, để từ đó chúng ta nắm bắt được tình hình và tìm cách để giúp các em học tập tốt hơn. 95% điều này không đúng. Có hai lý do chính tại sao chúng tôi kiểm tra trẻ em: đầu tiên là để dọa nạt nhằm bắt các em làm những gì mà ta muốn được hoàn thành, và thứ hai là để cung cấp cho ta cơ sở để khen thưởng và xử phạt, một việc mà hệ thống giáo dục – cũng giống như tất cả các hệ thống cưỡng chế khác- phải làm.

Nguồn: Holt, J (1969) How Children Fail, Penguin, Harmondsworth, pp. 51-52.

Quan điểm 2

Kiểm tra đánh giá nên đóng một phần quan trọng trong bất kỳ quá trình sư phạm nào. Ở bất kỳ khi nào mà việc học tập đang hoặc dự định sắp diễn ra, thì cũng là điều hợp lý khi người học, giáo viên cũng như các bên quan tâm khác tò mò sẽ có điều gì xảy ra trên phương diện về quá trình học tập và về những kết quả mong đợi và kết quả ngoài dự tính. Chúng ta có thể lập luận rằng hiển nhiên một nền giáo dục tốt phải bao gồm sự kiểm tra đánh giá tốt. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tách mình ngay lập tức ra khỏi những gì khoác cái vỏ “kiểm tra đánh giá giáo dục tốt”. Kiểm tra đánh giá đã được nhìn nhận quá lâu như một quá trình chính qui trong đó thường bao gồm việc tiến hành các bài kiểm tra và các kì thi chính thức thông qua những thủ tục hoàn toàn xa rời với quá trình giáo dục và môi trường sư phạm, những yếu tố mà đáng lẽ ra phải có sự liên hệ mật thiết với kiểm tra đánh giá.

Nguồn: Murphy and Torrance,1988, The Changing Face of Educational Assessment, Milton Keynes, Open University Press, p. 7.

 

Câu hỏi 4: Hãy trả lời các câu hỏi sau về hai đoạn trích dẫn trên:

  • Điểm chính trong quan điểm 1 là gì?
  • Theo bạn, cơ sở lí luận đằng sau quan điểm này là gì?
  • Quan điểm 1 có liên quan như thế nào đến Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững?
  • Những điểm chính trong quan điểm 2 là gì? Những điểm này khác với quan điểm 1 như thế nào?
  • Cơ sở lí luận đằng sau quan điểm 2 là gì?
  • Quan điểm 2 là quan điểm mới mẻ hơn so với quan điểm 1. Những thay đổi gì trong tư duy giáo dục có thể giải thích cho sự thay đổi quan điểm về kiểm tra đánh giá nói trên?

 

KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ VÀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CỦA HỌC SINH

Các giáo viên tại hội thảo của Yim-lin sau đó đã phác thảo các ý nghĩa mà kiểm tra đánh giá có thể đóng góp cho quá trình học tập của học sinh. Trong số các lý do mà họ nêu ra, có các lí do sau đây:

  • Để tìm hiểu xem học sinh biết gì, hiểu gì và có thể làm gì
  • Để tìm hiểu xem học sinh không biết gì, không hiểu gì và không thể làm gì
  • Để tạo ra cơ sở cho việc đưa ra ý kiến phản hồi tới người học nhằm giúp học sinh trong việc phát triển các kĩ năng và sự hiểu biết.
  • Để khuyến khích người học học được các giá trị và các khái niệm cụ thể, hoặc phát triển các kỹ năng cụ thể.
  • Để đánh giá mức độ phù hợp của các tài liệu sử dụng trong chương trình giảng dạy
  • Để xem xét liệu có hoàn thành các mục tiêu học tập hay không.

Người hướng dẫn của hội thảo sau đó giải thích rằng hai quan điểm trên đại diện cho hai hình thức kiểm tra đánh giá:

1. Kiểm tra đánh giá thường xuyên (Formative-Assessment):

Kiểm tra đánh giá thường xuyên (hay còn gọi là kiểm tra đánh giá hình thành) là hình thức kiểm tra đánh giá diễn ra liên tục gắn liền với quá trình học tập. Hình thức đánh giá này có tính chất là phi chính qui và được sử dụng để giúp học sinh xác định các điểm mạnh và điểm yếu với mục đích học hỏi và hoàn thiện từ quá trình đánh giá.

2. Kiểm tra đánh giá tổng kết (Summative Assessment)

Hình thức kiểm tra đánh giá tổng kết (hay còn gọi là kiểm tra đánh giá kết thúc) thường tiến hành vào giai đoạn cuối của một quá trình học tập nhằm xác định trình độ của học viên. Mục đích của hình thức đánh giá này thông thường là liên quan đến việc đưa ra các quyết định về việc học tập trong tương lai hoặc nghề nghiệp cần làm là gì. Những kết luận rút ra từ đánh giá tổng kết thường là vì lợi ích của chung của xã hội hơn là của người học.

Những người tham gia hội thảo sau đó đã được yêu cầu chia sẻ một kinh nghiệm của họ về mỗi loại hình thức kiểm tra đánh giá trên. Dưới đây là những câu chuyện mà Yim-lin đã viết:

Câu chuyện 1: Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên

Thứ năm vừa rồi, tôi hỏi lớp của tôi các em gói bữa ăn trưa bằng cái gì. Hầu hết các em đều trả lời dùng giấy bóng bọc thực phẩm. "Tại sao các em lại sử dụng nó?" Tôi hỏi. "Và các em sẽ làm gì với các mẩu giấy bóng đó sau khi các em ăn xong?" Thông qua những câu hỏi như vậy, cả lớp bị cuốn hút vào việc thảo luận về giấy và túi bóng bọc thực phẩm, chúng được làm thế nào và xử lý chúng như thế nào khi chúng ta không dùng. Tôi đưa ra cho cả lớp một bức ảnh về một bãi biển có rất nhiều rác, trong đó có cả những loại rác bằng chất dẻo. Trong quá trình thảo luận, một em học sinh đã chia sẻ rằng em thường xuyên nhìn thấy có rất nhiều túi nilon được đổ ra bãi rác nằm cạnh con sông gần nhà em. Thông qua những hoạt động như vậy, các em trở nên quan tâm đến việc tìm hiểu xem các loại rác bằng chất dẻo được thải ra biển bằng những cách nào và chúng tác động như thế nào tới các loài động vật biển. Chúng tôi kết thúc ngày học bằng việc lập ra một kế hoạch những gì chúng tôi có thể làm để cố gắng giải quyết vấn đề này.

Câu chuyện 2: Hình thức kiểm tra đánh giá tổng kết

Vào cuối năm lớp 6, các em học sinh 11 tuổi của tôi sẽ vào học cấp trung học. Sẽ phải đưa ra những quyết định về việc các em sẽ đi học ở trường nào và các em có thể gặp phải những khó khăn gì trong học tập ở cấp trung học. Tôi dự định sẽ đưa ra cho cả lớp một tập hợp những câu hỏi phân loại nhằm kiểm tra trình độ kiến thức của các em. Điểm kiểm tra và tên của các em sẽ được nhập vào máy tính của trường. Tôi cũng sẽ yêu cầu các em hoàn thành một bảng câu hỏi tự đánh giá nhằm tạo điều kiện để các em thể hiện quan điểm cũng như những băn khoăn của mình. Sau đó, tôi sẽ sử dụng tất cả các thông tin này để xây dựng nên hồ sơ mô tả cho từng em nhằm phục vụ cho việc thảo luận với các bậc phụ huynh.

Câu hỏi 5: Hãy sử dụng các định nghĩa và hai câu chuyện của Yim-lin, so sánh giữa hai hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên và đánh giá tổng kết:

  • Mục đích của từng hình thức
  • Các cách thức có thể thực hiện; và
  • Thời điểm thực hiện.

 

ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC THUẬT NGỮ ĐÁNH GIÁ

Người hướng dẫn hội thảo sau đó tiếp tục giải thích một số thuật ngữ chuyên môn liên quan đến kiểm tra đánh giá:

·         Kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá tổng kết (Formative and summative assessment)

·         Đánh giá chính qui và không chính qui (Informal and formal assessment)

·         Kiểm tra đánh giá liên tục và kiểm tra đánh giá theo giai đoạn (Continuous and terminal assessment)

 

HOẠT ĐỘNG 4: CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Người hướng dẫn hội thảo giải thích cho Yim-lin và đồng nghiệp của cô rằng có rất nhiều phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau, bao gồm:

  • Các bài kiểm tra trắc nghiệm (Multiple choice tests)
  • Diễn giải bản đồ hoặc biểu đồ (Map or diagram interpretation)
  • Các bài kiểm tra từ vựng (Vocabulary tests)
  • Tranh luận/hùng biện (debate performance)
  • Các bài kiểm tra đúng-sai (True-false tests)
  • Các bài giảng nhỏ (Lecturette)
  • Dán nhãn vào sơ đồ (Labels-on-a-diagram tests)
  • Bài luận có cấu trúc (Structured essays)
  • Bài kiểm tra đọc hiểu (Comprehension tests)
  • Bài luận không hướng dẫn (Unguided essay)
  • Bài kiểm tra trả lời ngắn (trả lời bằng đoạn văn) (Short answer tests (paragraph answers)
  • Báo cáo thực địa (Field trip report)
  • Bài tập đưa ra quyết định (Decision making exercises)
  • Bài luận nghiên cứu (Library research essay)

Sau khi thảo luận các ví dụ về các phương pháp kiểm tra đánh giá trên, người hướng dẫn nhắc nhở các nhóm rằng việc lựa chọn các phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau cần phù hợp với các mục tiêu giáo dục khác nhau.

Các nhóm sau đó đã xác định năm loại mục tiêu sau:

  • Kiến thức (knowledge): Những gì mà một người biết.
  • Kỹ năng (skills): Khả năng làm điều gì đó, đặc biệt là kỹ năng thực hành hoặc chân tay.
  • Quá trình tư duy (thinking processes): các cách thức tư duy bậc cao, chẳng hạn như việc áp dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá.
  • Giá trị (values): Các tiêu chuẩn và nguyên tắc có thể được áp dụng để xem xét giá trị của một ý tưởng hoặc hành động.
  • Hành động (actions): Những gì mọi người làm như là kết quả của việc học tập.

GẮN CÁC MỤC TIÊU VỚI CÁC PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ

Hoạt động tiếp theo tại hội thảo là gắn các mục tiêu này với những phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp.

Câu hỏi 6: Hãy gắn các phương pháp đánh giá phù hợp với các mục tiêu giáo dục khác nhau.

Hãy xem các câu trả lời của Yim-lin và các đồng nghiệp.

CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ ĐỔI MỚI

Trong quá trình thảo luận, các giáo viên tại hội thảo đã yêu cầu người hướng dẫn giải thích hai phương pháp kiểm tra đánh giá được cho là mới đối với họ, đó là:

  • Các bài tập đưa ra quyết đinh (decision-making exercises), và
  • Phương pháp tự kiểm tra đánh giá (self-assessment).

Những phương pháp này được minh họa trong Hoạt động 5 và Hoạt động 6.

 

HOẠT ĐỘNG 5: CÁC BÀI TẬP ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Khi được yêu cầu giải thích bản chất và mục đích của việc kiểm tra đánh giá quá trình học tập của học sinh khi sử dụng một bài tập đưa ra quyết định, người hướng dẫn hội thảo giải thích rằng thông thường các phương pháp đánh giá truyền thống không hiệu quả lắm trong việc đánh giá các kỹ năng tư duy và quá trình phân tích các quan điểm và giá trị.

Các bài tập đưa ra quyết định là một cách rất hữu ích để giải quyết vấn đề này. Đây là những bài tập giải quyết vấn đề có cấu trúc nhằm đưa ra cho sinh viên một loạt các nhiệm vụ cần thực hiện:

  • Xác định vấn đề
  • Tìm giải pháp
  • Hiểu được vấn đề
  • Tổng hợp

Ví dụ được trình bày tại hội thảo là một bài tập đưa ra quyết định được chuẩn bị cho một tiết học của lớp 11 về ‘ Ô nhiễm không khí ở Hồng Kông’.

Bài tập đưa ra quyết định này nhằm mục đích đánh giá các mục tiêu của chương trình giảng dạy dưới đây:

  • Ý thức được vấn đề về mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí, nguyên nhân và hậu quả.
  • Hiểu được các quan điểm khác nhau đối với vấn đề nói trên và lý do tại sao lại có những sự khác biệt này.
  • Mô tả và đánh giá mức độ hiệu quả của các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại địa phương.

Bài tập đưa ra quyết định này được xây dựng dựa trên một loạt các nguồn tài liệu đã chuẩn bị sẵn, bao gồm các bản tin trên báo chí, các số liệu thống kê về ô nhiễm không khí ở Hồng Kông, những ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ và các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí. Những tài liệu này được cung cấp làm tư liệu đọc cho bài tập này.

Hãy đọc bài tập đưa ra quyết định. 

 [Lưu ý: Không cần thiết phải đọc tất cả các tài liệu một cách chi tiết.]

Câu hỏi 7: Hãy phân tích ý nghĩa của bài tập đưa ra quyết định này trong vai trò là một hình thức kiểm tra đánh giá:

  • Hãy xác định các quá trình tư duy (ví dụ như áp dụng, phân tích, tổng hợp, hoặc đánh giá) cần được kiểm tra đánh giá song song với việc các em học sinh trải qua các bước trong bài tập đưa ra quyết định.
  • Xác định các kĩ năng nhận thức giá trị (valuing process) mà học sinh sẽ thu nhận được hoặc củng cố như là một kết quả của việc hoàn thành bài tập đưa ra quyết định.
  • Bạn có thể thay đổi bài tập trên như thế nào để phù hợp với một lớp học của bạn?

 

HOẠT ĐỘNG 6: TỰ KIỂM TRA-ĐÁNH GIÁ

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Phương pháp kiểm tra đánh giá đổi mới thứ hai được xem xét tại Hội thảo của Yim-lin là phương pháp tự kiểm tra đánh giá.

Tự kiểm tra đánh giá là một kỹ năng quan trọng đối với học sinh – và là một chỉ số rất tốt của việc học tập chất lượng cao.

Người hướng dẫn của hội thảo đưa ra hai ví dụ về Bảng mẫu Tự Đánh giá của Học sinh. Các mẫu này được chuẩn bị để áp dụng sau khi kết thúc một bài tập về rừng mưa nhiệt đới của học sinh.

  • Báo cáo tự đánh giá ‘Tôi có thể làm’ (I Can Do Self-Assessment Report)
  • Báo cáo tự đánh giá có sự trao đổi. (Negotiated Self-Assessment Report)

 

Câu hỏi 8: Sau khi xem xét hai mẫu tự đánh giá trên, bạn hãy trả lời những câu hỏi sau:

  • Bạn sẽ sử dụng mẫu nào cho lớp học của mình? Tại sao?
  • Bạn có thể chỉnh sửa như thế nào đối với mẫu còn lại (hoặc cả hai mẫu) để nó trở nên phù hợp hơn với lớp học của bạn?
  • Bạn có thể sử dụng những thông tin thu được từ kết quả tự đánh giá của học sinh để làm gì?

 

HOẠT ĐỘNG 7: HOẠT ĐỘNG TỔNG KẾT

Hãy mở sổ tay học tập của bạn để bắt đầu hoạt động này.

Hoạt động tổng kết mô-đun: Hãy nhìn lại các hoạt động và bài tập của mô-đun để kiểm tra xem bạn đã làm xong chưa. Bổ sung và hoàn tất các phần để kết thúc mô-đun.

Câu hỏi 9: Hãy xác định ba lợi ích mà bạn nghĩ Yim-lin sẽ thu được từ hội thảo về việc kiểm tra đánh giá.

Câu hỏi 10: Hãy xác định một môn học hoặc một chương trình học, một lớp học, và một chủ đề mà bạn có thể đưa vào đó (i) một bài tập đưa ra quyết định, và ( ii) một hình thức tự kiểm tra đánh giá.

Câu hỏi 11: Các ý tưởng được nêu ra trong mô-đun này ảnh hưởng hoặc thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá bạn đang dùng hiện nay như thế nào?

 

Các phương pháp đánh giá

 

Kiến thức

Quá trình tư duy

Kỹ năng

Giá trị và quan điểm

Hành động

Các bài kiểm tra trắc nghiệm

X

 

 

X

 

Bài kiểm tra trả lời ngắn (trả lời bằng đoạn văn)

X

X

 

X

 

Các bài luận

X

X

 

X

 

Bài tập đưa ra quyết định

X

X

X

X

 

Các bài thuyết trình

X

X

 

X

 

Quan sát của giáo viên

X

X

X

X

X

Tự kiểm tra – đánh giá

X

X

X

X

X

 

 

 

Ô nhiễm không khí ở Hồng Kông

Bài tập Kiểm tra đánh giá

Bài tập đưa ra quyết định này đặt dưới hình thức của một cuộc điều tra về môi trường. Bài tập này tập trung xoay quanh các quan điểm tranh luận của một số người tại Đặc khu Hành chính Hồng Kong cho rằng, là một thành phố công nghiệp, ô nhiễm không khí là một chi phí phát sinh không thể tránh khỏi nếu người dân muốn duy trì mức sống cao. Những người khác cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí hiện đang nghiêm trọng đến mức nó đang đe dọa tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của những cư dân trong thành phố.

Bài tập này bao gồm 4 nhiệm vụ:

Nhiệm vụ 1: Phân tích những bản tin để xác định những quan điểm khác nhau về vấn đề ô nhiễm không khí.

Nhiệm vụ 2: Phân tích các dữ liệu thống kê và tư liệu văn bản nhằm tìm hiểu hiện trạng ô nhiễm không khí.

Nhiệm vụ 3: Sử dụng phương pháp đóng vai để xác định các giải pháp khả thi.

Nhiệm vụ 4: Tổng hợp các ý kiến về vấn đề ô nhiễm không khí và các giải pháp khả thi.

 

Nhiệm vụ 1: Xác định vấn đề

1.1 Hãy đọc hai bài phóng sự trên báo về sự ô nhiễm đô thị ở Hồng Kông – Nguồn 1 và nguồn 2.

1.2 Sau đó trả lời các câu hỏi sau đây:

·         Hai nhóm quan điểm khái quát về ô nhiễm không khí được đề cập là gì?

·         Hãy xác định các giá trị sống khác nhau của những người có quan điểm trái ngược?

 

Nhiệm vụ 2: Phân tích vấn đề

2.1 Hãy phân tích những tài liệu ở từ nguồn 3 đến nguồn 6 để xem những nhóm dân cư khác nhau ở Hồng Kong hiểu như thế nào là “ô nhiễm không khí”; những ảnh hưởng của nó; và các giải pháp khả thi được nêu ra.

2.2 Hãy trả lời các câu hỏi sau đây.

·         Ô nhiễm không khí là gì?

·         Nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm không khí là những nguồn nào?

·         Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến cuộc sống của con người như thế nào?

·         Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến khí hậu như thế nào?

·         Những giải pháp nào đã được đề xuất nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí?

·         Những giải pháp này có khả thi hay không? Cho ý kiến về ưu và nhược điểm của những giải pháp đó.

 

Nhiệm vụ 3: Xác định các giải pháp

3.1 Hãy hình dung rằng đã có một cuộc họp được tổ chức nhằm tạo điều kiện các bên liên quan chia sẻ những quan điểm khác nhau về những việc cần làm nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Hồng Kông. Hãy đọc quan điểm của một đại biểu tham dự sau:

·         Một cán bộ đến từ Cục Bảo vệ Môi trường

·         Một đại diện đến từ ngành công nghiệp

·         Một người mẹ đang lo lắng đến vấn đề.

·         Một đại diện của tổ chức ’Những người bạn của hành tinh’ (Friends of the Planet)

·         Một chủ taxi

·         Một bác sĩ

3.2 Hãy tóm tắt lại (i) từng quan điểm mà bạn cho rằng mỗi bên sẽ đưa ra, và (ii) ý kiến của từng bên về những quan điểm của các bên còn lại.

 

Nhiệm vụ 4: Tổng hợp

4.1 Bằng cách viết một bài luận ngắn, bạn hãy diễn tả những hiểu biết của mình về đề tài này theo các câu hỏi sau:

Vấn đề ô nhiễm không khí ở Hồng Kông ngày nay tồi tệ hơn 25 năm trước ở những khía cạnh nào? Giải thích tại sao tình hình hiện nay lại nảy sinh, và những giải pháp khả thi nào được các nhóm nhìn nhận. .

Bạn đề xuất chiến lược hành động nào? Tại sao?

Bài luận của bạn sẽ được chấm dự trên những tiêu chí sau:

·         Mức độ am hiểu khái niệm.

·         Bố cục/cấu trúc.

·         Cách sử dụng các minh họa và ví dụ

·         Mức độ thuyết phục của các luận cứ được sử dụng nhằm hỗ trợ cho đề xuất của bạn.

·         Các kĩ năng truyền đạt bằng văn bản.

 

 

Nguồn 1:

Không khí sạch sẽ được tính vào các chi phí liên quan đến xe cộ

Đề giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí, phát sinh chủ yếu do các hoạt động giao thông, những cư dân Hồng Kông sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho việc mua xe hoặc bảo trì, bảo dưỡng xe. 

Các loại xe chạy bằng động cơ diesel là những tác nhân gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Chúng chiếm hơn 80% lượng phát thải từ giao thông. Tuy nhiên, Chính phủ đã rút lui khỏi việc thực hiện kế hoạch thay thế chúng bằng những loại xe sử dụng động cơ xăng do lo ngai kế hoạch này sẽ gây ra lạm phát. 

Giải pháp thay thế được đưa ra nhằm đảm bảo rằng những người sử dụng xe diesel sẽ phải bảo dưỡng động cơ, và làm giảm ô nhiễm. 

Nhưng Yuntao Liu tại Đại học Hồng Kông và George Leung từ Cục Bảo Vệ Môi Trường cho biết lựa chọn này có nhiều chi phí liên quan và chưa chắc đã hiệu quả hơn. 

Các phương tiện giao thông phải được kiểm định ít nhất hai lần một năm, và tốt nhất là 3 hoặc 4 lần. 

Việc thực hiện các quy định kiểm định này sẽ cần thêm nhiều nhân lực. Và các quy định này không ngăn được việc thay thế động cơ, cách mà một số tài xế taxi và xe buýt sử dụng do sự nhầm lẫn rằng sự thay thế này sẽ làm cho động cơ khoẻ hơn.

Tiến sĩ Liu trao đổi: "Đó là một đề xuất có mức rủi ro cao hơn nhưng chi phí lại thấp hơn. Nhưng liệu chúng ta có thể thực thi luật kiểm định và tiến hành kiểm định một cách đủ thường xuyên hay không?". 

Bằng cách dựa vào các loại xe động cơ xăng có bộ phận chuyển đổi xúc tác để kiểm soát lượng phát thải các chất ô nhiễm, sẽ không làm phát sinh thêm nhu cầu về nhân lực và các tài xế sẽ không thể can thiệp vào động cơ. 

Nghiên cứu chỉ ra rằng chất ô nhiễm chủ đạo duy nhất của các xe ô tô có bộ phận chuyển đổi xúc tác là cácbon điôxít. 

Chi phí lắp đặt bộ phận chyển đổi là $5.000 và chi phí cho nhiên liệu cao hơn từ 10 đến 20%. 

Chi phí một năm cho việc kiểm định động cơ diesel là $500, cộng thêm chi phí mà chủ xe phải chịu vì xe không được vận hành trong thời gian kiểm định. Mặc dù vậy, các phương tiện sử dụng động cơ diesel vẫn phát thải ra khí ôxit nitơ, các chất lơ lửng hấp thụ và cácbon điôxít. 

Kết quả của các cuộc thăm dò cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí là mối quan tâm chính về môi trường của người dân Hồng Kông. 

Tiến sĩ Liu nói: "Nếu lo ngại về lạm phát quan trọng hơn hết thảy các mối quan tâm và chừng nào nào việc kiểm soát lạm phát vẫn là chính sách chủ đạo thì chúng ta sẽ không thể nào tiến xa được. Bảo vệ môi trường hiếm khi là miễn phí”.

"Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất đến con người – họ hít thở chúng vào phổi và với một chi phí vừa phải, chúng ta có thể giải quyết được điều gì đó." 

Đó là ý kiến phát biểu của Tiến sĩ Liu tại hội thảo “Ô nhiễm trong môi trường đô thị" ở Hồng Kông. Chủ đề là sự ấm lên toàn cầu, vấn đề mà ngành vận tải đóng góp một phần rất lớn bởi lượng khí thải carbon dioxit và các loại phát thải khác. 

Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển đang tăng lên hàng năm, theo đánh giá của Rosalyn Brown – Văn phòng Đánh giá Công nghệ của Quốc hội Hoa Kỳ.

Bà cho biết lượng khí cacbon điôxít mỗi năm tăng 0,5%, chlorofluoro-cacbon 4%, mêtan 1% và nitơ ôxit là 0.25%. Cácbon điôxít, được thải ra chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ, chiếm khoảng trên 50% tổng lượng khí thải loại này.

Các diễn giả khác cũng ca ngợi hệ thống giao thông công cộng ở Hồng Kông, vì ở các nước khác các phương tiện giao thông cá nhân là một trong những nguồn phát thải đáng kể gây ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, cố vấn người Nhật Bản Osamu Harako cho biết rằng Nhật Bản cũng đã từng phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm không khí tương tự như các nước châu Á khác do việc sử dụng động cơ diesel, vốn chiếm tới 65% phương tiện đi lại tính theo kilomét đường bộ.

 

 

Nguồn 2 

Các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ ung thư gây ra do xăng không chì

Xăng không chì – đặc biệt là loại xăng mới gây tranh cãi Octan 98 – có thể chứa các chất gây ung thư ở mức nguy hiểm, một chuyên gia hàng đầu về ô nhiễm không khí cho biết. 

Các hóa chất này là những dẫn xuất của benzen, được thêm vào nhiên liệu không chì để làm cho nó mạnh hơn, tuy nhiên đây cũng là các chất có thể gây bệnh ung thư. 

Xăng octan 98, gần đây mới được đưa vào sử dụng tại Hồng Kông bất chấp các tranh cãi sôi nổi, có chứa lượng các hóa chất (phụ gia chống kích nổ) nhiều hơn so với loại xăng octan 95 mà được thay thế, theo nhà độc học Liang Tan

Bà Tan cho biết quá trình đốt cháy các loại xăng không chì thải ra các hợp chất hữu cơ đa vòng thơm (PAHs), những chất tác nhân gây ung thư đã được biết đến. 

"Để ngăn chặn sự kích nổ sớm của hỗn hợp xăng trong chu trình nén của động cơ, bạn cần chỉ số octane cao … các chất hydrocarbon thơm có thêm trong các loại xăng không chì (dùng làm tăng chỉ số octan) sẽ làm tăng lượng các chất gây ung thư ", bà nói. 

Các công ty dầu mỏ giải thích rằng việc đưa vào sử dụng loại xăng octane 98 là để đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Giá của loại xăng này cao hơn 21 cent/lít so với xăng octan 95. 

"Nếu bạn sử dụng loại xăng không chì có chỉ số octane cao, có nhiều các hợp chất vòng hơn và tất yếu là sẽ có nhiều các hợp chất PAHs được thải ra hơn", bà Tân nói. 

Tuy nhiên, ông Peter Wong từ Cục Bảo vệ Môi trường cho biết ông không "quá lo lắng" về vấn đề PAHs bởi vì mức độ của các chất này tại Hồng Kông dường như không cao. 

PAHs rất khó đo đạc nhưng việc đo đạc hàm lượng benzene sinh ra trong không khí, chất có mối liên hệ với các hợp chất PAHs, cho thấy tỷ lệ chất này vào khoảng một phần mười so với tiêu chuẩn của Mỹ. 

Ông Wong cũng cho biết các công ty dầu mỏ đã cam kết sẽ giữ hàm lượng benzen trong xăng theo tiêu chuẩn của Anh, tối đa là 5%. 

Cam kết này được đưa ra vào đầu năm nay trước khi xăng không chì được đưa vào tiêu dùng vào ngày mùng 1 tháng Tư, và lúc đó chỉ áp dụng cho xăng octan 95. 

Vào đầu năm nay, Uỷ ban Tiêu dùng đã có chủ trương áp đặt các biện pháp kiểm soát hàm lượng benzen. 

Bà Tan cho biết thêm rằng còn cần phải thực hiện rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của xăng không chì. 

Bà cho rằng việc lắp đặt bộ phận chuyển đổi xúc tác cho xe sử dụng xăng không chì giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm vì hầu hết các chất gây ô nhiễm được thải ra đều bị phân hủy. 
 

 

Nguồn 3 

Ô nhiễm không khí ở Hồng Kông 

Theo số liệu quan trắc của Cục Bảo vệ Môi trường Hồng Kông, năm 1989, lượng cácbon mônôxít vẫn trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, lưu huỳnh điôxít lại là một vấn đề, đặc biệt là ở khu công nghiệp Kwai Chung. Nitơ điôxít là một vấn đề phổ biến hơn so với lưu huỳnh điôxít và chiếm tỷ lệ cao nhất ở Kwun Tong và phía Tây – cũng là nơi tập trung các khu công nghiệp. 

Lượng bụi lơ lửng tổng số (TSP) và bụi lơ lửng hấp thụ (RSP) trung bình đã liên tục vượt quá mức cho phép đến hơn 50%. Vấn đề ô nhiễm bụi và các hạt (Particulate), đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra còn có các mối lo ngại về những chất gây ô nhiễm không khí độc hại như polyclorinated biphenyl (PCSs), benzol-a-pyrene (BaP), các kim loại nặng độc hại (thủy ngân, asen, berili, crom và cadmium) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). PCBs phần lớn bắt nguồn từ sự cố rò rỉ dầu máy biến thế và chất hóa dẻo nhưng, cũng như đối với các kim loại, hàm lượng các chất này vẫn đang nằm trong giới hạn chấp nhận được. Tuy nhiên, các chất BaPs sinh ra từ việc đốt dầu và than đá và cũng là một mối quan tâm.

Các tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí 

Việc đưa ra các tiêu chuẩn rủi ro công cộng về mức độ “có thể chấp nhận được” hay “có thể chịu đựng được là một chủ đề được bàn luận và tranh cãi mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chính phủ Hồng Kông đã đặt ra những hướng dẫn để hạn chế nguy cơ tử vong là không quá 1/100.000 mỗi năm tại các khu công nghiệp có khả năng gây nguy hại. Đối với các sự cố liên quan đến nhiều người, phương pháp tiếp cận "ngại rủi ro (risk aversion)" được áp dụng. 

 

Chất Ô nhiễm

Nồng độ (µg/m³) (i)

Ảnh hưởng của các chất ô nhiễm tới sức khỏe con người theo các cấp độ tăng dần

 

 

Thời gian trung bình

 

 

1 tiếng
(ii)

8 tiếng
(iii)

24 tiếng
(iii)

3 tháng
(iv)

1 năm
(iv)

 

Lưu huỳnh điôxít

800

 

350

 

80

Các bệnh liên quan đến đường hô hấp, giảm chức năng của phổi; tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở mức cao hơn.

TSP

 

 

260

 

80

Sự mảnh hạt nhỏ có khả năng hấp thụ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

RSP

 

 

180

 

55

Cá bệnh liên quan đến đường hô hấp, giảm chức năng của phổi; nguy cơ ung thư ở một số hạt phân tử khí nhất định; tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở mức độ cao hơn

Nitơ điôxít

300

 

150

 

80

Kích thích hô hấp, tăng tính nhạy cảm với các bệnh lây qua đường hô hấp, suy giảm sự phát triển của phổi.

 

Cacbon mônôxít

3000

10000

 

 

 

Suy giảm khả năng phối hợp; không có lợi cho phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh tim và tuần hoàn.

Các chất oxy quang hóa (như ôzôn) (vi)

 

240

 

 

 

 

Kích ứng mắt, ho, giảm khả năng vận động; nguy hại tới nhiễm sắc thể.

 

Chì

 

 

 

1.5

 

Ảnh hưởng đến các quá trình trong cơ thể và trong tế bào, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh tim, đột quỵ và cao huyết áp.

 

 

(i) Đo tại 298 ° K (25 ° C) và 101,325 kPa (một khí quyển).

(ii) Không được vượt quá ba lần mỗi năm.

(iii) Không được vượt quá một lần mỗi năm.

(iv) Có ý nghĩa số học.

(v)           Bụi lơ lửng hấp thụ (RSP) là các hạt nhỏ lơ lửng trong không khí có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm

(vi)         Chất ôxy quang hóa là những chất được xác định thông qua việc đo nồng độ ôzôn. 

 

 

Nguồn 4

Những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hồng Kông

Nguyên nhân

Tỷ lệ

Khói

30.2

Bụi

22.2

Hơi hóa chất

8.1

Phun sơn sương mù

4.1

Hơi nước

3.1

Mùi

26.5

Khói bếp

3.1

Khác

3.8

 

 

Nguồn 5

Nồng độ hàng ngày (μg / m³) của lưu huỳnh điôxít và bụi lơ lửng tổng số một số thành phố tiêu biểu năm 1984.

 

 

Thành phố

SO

TSP

Thẩm Dương (Trung Quốc)

219 (844)

502 (1352)

Caracas (Venezuela)

29 (50)

102 (229)

Calcutta (Ấn Độ)

54 (135)

368 (1195)

Chicago (Mỹ)

23 (84)

86 (199)

Frankfurt ( Đức)

50 (139)

Auckland (New Zealand)

4 (11)

Toronto (Canada)

12 (70)

68 (191)

 

 

Nguồn 6

 

Những ảnh hưởng của các dạng ô nhiễm không khí khác nhau

Nguồn ô nhiễm

Ảnh hưởng

** Bụi lơ lửng và lưu huỳnh điôxít

Gây ra bệnh tim và phổi cho thanh niên và người cao tuổi khi vượt quá 250 μg / m³ trong trường hợp phơi nhiễm ngắn hạn và hơn 100 μg / m³ trong phơi nhiễm dài hạn. Có hại cho sự tăng trưởng của cây trồng. SO2 gây ra mưa axit.

Ôzôn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)

Gây đau họng, kích ứng mắt, nhức đầu; gây ra những vết lốm đốm trên lá và có hại cho cây trồng; có thể làm nứt các sản phẩm cao su. Ví dụ:lốp xe

Các Ôxít của Nitơ

Gây ra các bệnh về phổi và bệnh đau đầu, gây ra những ảnh hưởng đặc biệt tới những người tiền sử bệnh. Gây ra mưa axít

Cácbon mônôxít

Gây ra các bệnh về phổi và tim mạch, nhức đầu, buồn ngủ, giảm khả năng lao động.

Kim loại độc hại (Đặc biệt là chì)

Làm tổn thương não

Hóa chất độc hại (VD. PCBs)

Gây ung thư, dị tật bẩm sinh, bệnh xuất huyết não.

 

* Các hạt có đường kính 0,1 và 25 μm, (1 μm = 1 / 100, 000 cm).

 ** Lưu huỳnh điôxít có thể chiếm đến 80% lượng bụi lơ lửng

Một cán bộ của Cục Bảo vệ môi trường

Mối quan tâm của bạn là việc bảo vệ môi trường.

Bạn có những quy định và điều khoản nghiêm ngặt để kiểm soát việc ô nhiễm không khí, ví dụ:

·         một mạng lưới các trạm quan trắc dùng để đo chất lượng không khí đã được thiết lập trên toàn lãnh thổ;

·         xăng không chì đã được bán trên thị trường từ tháng 4 năm 1991

·         toàn bộ khu vực Hồng Kông đã được xác định là Khu Kiểm soát Không khí (Air Control Zone) kể từ tháng 12 năm 1989;

·         Những phương tiện thải nhiều khói được kiểm tra tại Trung tâm Kiểm tra Khí thải Xe;

·         Những Quy định Kiểm soát Không khí (Khói) Ô nhiễm được sửa đổi vào năm 1990 thắt chặt quyền kiểm soát việc thải khói đen từ các nguồn đốt cố định;

·         Quy định Hạn chế Nhiên liệu (ngày mùng 1 tháng 7 năm 1990) đã nghiêm cấm việc sử dụng nhiên liệu xăng dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao.

Một đại diện của ngành công nghiệp

Mối quan tâm của bạn đó là khả năng tạo ra lợi nhuận và giảm chi phí phát sinh đến hết mức có thể. Tuy nhiên, bạn cũng muốn có một hình ảnh tốt trước công chúng.

Bạn cho rằng không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy công nghiệp là ngành duy nhất phải chịu trách nhiệm về việc phát thải ra các chất gây ô nhiễm không khí.
Nếu các quy định quá nghiêm ngặt được áp dụng, sức cạnh tranh của các sản phẩm của Hồng Kông sẽ suy giảm do chi phí sản xuất tăng lên. Nền kinh tế của Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng.

 

Một người mẹ đang lo lắng đến vấn đề

Mối quan tâm chính của bạn là chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Bạn không có những kiến thức chuyên sâu về ô nhiễm không khí. Những gì bạn chú ý là sự phai màu lớp sơn của ngôi nhà, đồ nội thất luôn bị phủ bụi mặc dù bạn lau chùi thường xuyên, và mọi người trong gia đình rất hay bị các bệnh về đường hô hấp.

Bạn thích sự tiện lợi của cuộc sống hiện đại ở Hồng Kông và lo lắng về những điều làm cho cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn.

 

Một đại diện đến từ tổ chức 'Những người bạn của hành tinh' (Friends of the Planet)

Mối quan tâm của bạn là giúp mọi người có ý thức hơn về môi trường và gây sức ép để chính phủ đưa ra các quy định khắt khe hơn, ví dụ như:

  • Bắt buộc ngành công nghiệp và người điều khiển phương tiện phải sử dụng xăng không chì và sử dụng xăng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp;
  • Áp đặt các quy định khắt khe hơn về khói thải của xe nhằm duy trì chúng trong giới hạn chấp nhận được.

 

Bạn cho rằng có một số phương pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí, ví dụ:

  • giáo dục cộng đồng và các tổ chức ngành nghề kinh doanh
  • giảm số lượng ô tô vận hành trên đường;
  • thay đổi các loại máy móc sử dụng trong các ngành công nghiệp; và
  • cải thiện thiết kế của động cơ xe.

 

Một chủ taxi

Dầu diesel là loại nhiên liệu rẻ và hiệu quả hơn so với xăng hoặc điện.

Sự giới hạn số lượng xe sẽ gây ra sự đầu cơ tăng giá giấy phép lái taxi và làm gia tăng các chi phí.

Chính vì những con phố hẹp nên khi giao thông tắc nghẽn giao thông, khói xe không thoát được; vấn đề nằm ở chỗ những con phố chứ không phải là các phương tiện giao thông.

Một bác sĩ

Trong một vài năm gần đây, có rất nhiều người thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp.

Ở những nơi ô nhiễm không khí cao, con người càng dễ có khả năng bị mắc các bệnh về tim và phổi.

Gần đây người ta đã chứng minh được rằng trẻ em hít vào một lượng lớn các hạt bụi chì từ khói xe sẽ kém tập trung hơn trong học tập do sự tích tụ chì trong não.

Chúng ta cần thực hiện mọi biện pháp để làm giảm ô nhiễm không khí.

 

Báo cáo tự đánh giá “Tôi có thể làm” (I Can Do)

Sau khi hoàn thành dự án này:

Tôi có thể phân tích các bức ảnh vệ tinh để xem có bao nhiêu cánh rừng nhiệt đới đang bị mất đi.

Có / không

Tôi có thể hiểu nạn phá rừng đang gây ra vấn đề về xói mòn đất, làm giảm sự đa dạng và mất đi môi trường sống như thế nào.

 

Có / không

Tôi có thể hiểu được các quan điểm của các dân tộc khác nhau về việc khai thác gỗ trong rừng nhiệt đới.

Có / không

Tôi đang sử dụng giấy ít hơn và tái sử dụng phong bì để tiết kiệm gỗ.

Có / không

Ký tên: ____________________________

Ngày ___/___/___

 

Báo cáo tự đánh giá có sự trao đổi

Sau khi hoàn thành dự án này:

Sau khi hoàn thành dự án này

Học sinh

Giáo viên

Tôi có thể phân tích các bức ảnh vệ tinh để xem có bao nhiêu cánh rừng nhiệt đới bị mất đi.

Có / không

Có / không

Tôi có thể hiểu nạn phá rừng đang gây ra vấn đề về xói mòn đất, làm giảm sự đa dạng và mất môi đi trường sống như thế nào.

Có / không

Có / không

Tôi có thể hiểu các quan điểm của các dân tộc khác nhau về việc khai thác gỗ trong rừng nhiệt đới.

Có / không

Có / không

Tôi đang sử dụng giấy ít hơn và tái sử dụng phong bì để tiết kiệm gỗ.

Có / không

Có / không

Ký tên:

 _____________________(học sinh)

_____________________ (giáo viên)

Ngày: ___/___/___

Đồng ý hành động